Các loài nguy cấp, quý, hiếm có được bảo vệ tốt hơn?

ANTD.VN - Từ ngày 24 đến 5-10, tại Johannesburg, Nam Phi đại diện các quốc gia thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) sẽ tổ chức Hội nghị các quốc gia thành viên CITES lần thứ 17 (COP 17). Cơ quan quản lý CITES Việt Nam và Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) sẽ tham dự sự kiện này nhằm kêu gọi bỏ phiếu “Không đồng thuận” với đề xuất của Swaziland về hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác.

Trong khi các loài tê giác trên thế giới phải đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng do nạn săn bắn tại châu Phi thì Vương quốc Swaziland lại đệ trình lên COP 17 một dự thảo cho phép hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác quốc tế. Quốc gia này không chỉ đề nghị được bán lượng sừng tê giác đang lưu giữa tại các kho, mà còn muốn tiếp tục cắt sừng từ những cá thể tê giác còn sống để cung cấp cho thị trường.

Tê giác bị giết để lấy sừng ở Nam Phi

Bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc ENV cho biết: “Dự thảo mà Swaziland có đưa ra việc bán sừng tê giác rồi sử dụng khoản tiền đó cho các hoạt động ngăn chặn nạn săn trộm tê giác là hoàn toàn sai lầm. Nếu sừng tê giác hợp pháp và bất hợp pháp cùng song song tồn tại thì sẽ ảnh hưởng lớn đến những nỗ lực thực thi pháp luật quốc tế, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển. Phân biệt giữa sừng tê giác hợp pháp và bất hợp pháp sẽ gây ra rất nhiều khó khăn và dễ khiến cho các cán bộ thực thi pháp luật không muốn điều tra, phát hiện và xử lý các vi phạm liên quan đến sừng tê giác. Những nỗ lực và bước tiến nhằm giảm thiểu tiêu thụ sừng tê giác tại các quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được trong suốt những năm qua cũng sẽ trở nên vô nghĩa nếu COP 17 cho phép hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác quốc tế…”.

Hổ gây nuôi trong trang trại ở Việt Nam

Cũng theo đại diện của ENV, tại COP 17 cũng sẽ đề cập đến tình trạng gây nuôi hổ tại Việt Nam và một số quốc gia khác trong khu vực. Việc gây nuôi hổ tràn lan, không kiểm soát tại các trang trại đã dẫn tới sự gia tăng bất ổn của số lượng hổ nuôi nhốt trong các trang trại tư nhân bất chấp đây là loài được pháp luật bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt và việc buôn bán hổ hoàn toàn bị nghiêm cấm.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc phụ trách chương trình Chính sách – Pháp luật của ENV cho rằng COP17 cần hướng tới giải quyết tình trạng gia tăng hoạt động gây nuôi hổ và nhanh chóng thực hiện các biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng này.