Ca sỹ Đức Tuấn: Nếu nói tôi tham lam, tôi cũng nhận

ANTĐ - Có lẽ trong giới, ca sỹ Đức Tuấn có nhiều dấu mốc đáng để tự hào: Tiên phong trong việc hát những trích đoạn nhạc kịch Broadway ở Việt Nam; Người mang nhạc kịch hiện đại đến với quý khán giả Việt Nam; Ca sỹ nhạc nhẹ đầu tiên có nguyên một chương trình biểu diễn với dàn nhạc giao hưởng; Là ca sỹ Việt Nam đầu tiên trình diễn bằng tiếng Anh và tiếng Pháp trong toàn bộ live concert của mình…. Chỉ bấy nhiêu thôi là bước khởi đầu khá thuận lợi để ước mơ vươn xa ra ngoài dải đất hình chữ S trở thành hiện thực. Cùng trò chuyện với ca sỹ Đức Tuấn về niềm đam mê nhạc kịch từ cái thuở ban đầu ấy…

- Có cần đính chính không khi cho rằng anh là một trong những ca sỹ Việt Nam đầu tiên đưa thể loại nhạc kịch musical đến với khán giả?

- Nếu nói tôi mang cái musical đến với Việt Nam là hơi to tát, tôi chỉ là một người đang cố gắng làm mọi thứ có thể để giới thiệu thể loại âm nhạc này đến với công chúng yêu âm nhạc Việt Nam. Nhạc kịch musical tạm gọi là nhạc kịch hiện đại, tại vì nhạc kịch cổ điển là Opera, và nhạc kịch hiện đại sau này người ta dùng một cái từ khác là musical - đó là loại hình giải trí có thể nói là hàng đầu trên thế giới hiện nay. Đây là loại hình giải trí hết sức phức tạp bởi nó kết hợp âm nhạc đến diễn xuất, cộng thêm hàng loạt những kỹ xảo về sân khấu, biểu diễn… Tôi vừa làm vừa tìm hiểu sâu hơn về thể loại âm nhạc này, từ đó mà yêu mến nó hơn, bởi tôi biết nó sẽ tạo nên một nhu cầu, một động lực để các nhà đầu tư cũng như những người làm âm nhạc ở Việt Nam sẽ cùng bắt tay nhau để thực sự mang musical đến với thị trường âm nhạc Việt Nam.

- Điều gì cuốn hút anh đến với thể loại nhạc kịch này  đến vậy? 

- Lần đầu tiên tôi tiếp xúc tại ngay kinh đô của thể loại âm nhạc này là Broadway, TP New York. Không biết nói làm sao để khán giả hiểu được cảm giác của tôi khi được thưởng thức thể loại âm nhạc này. Thực sự đó là một cảm giác kỳ lạ, giống như một tiếng sét ái tình, yêu từ cái nhìn đầu tiên, vở nhạc kịch đó làm cho tôi mê say, đắm đuối... Chính điều đó khiến tôi quyết tâm tìm hiểu sâu hơn với mong muốn giới thiệu nó đến với khán giả Việt Nam.

- Ở thể loại nhạc này, ngoài giọng hát thì họ phải diễn xuất rất nhiều, vậy anh làm thế nào để dung hòa, nhuần nhuyễn được cả hai yếu tố này? 

- Tôi thực sự đã luyện tập thể loại này khá nhiều cho dù thể loại này không có một trường lớp đào tạo ở Việt Nam. Các trung tâm lớn trên thế giới như Broadway, London có trường đào tạo chuyên về thể loại nhạc kịch, và họ dạy tất cả những bộ môn cần thiết cho nhạc kịch nhưng trường nhạc chuyên nghiệp ở Việt Nam thì không có bộ môn này khiến tôi phải tìm hiểu rất nhiều. Ngoài ra tôi cũng tận dụng những chuyến đi nước ngoài để tìm đến những người hướng dẫn, rèn luyện riêng về thể loại này, điều đó giúp tôi tiếp cận được những giáo trình chuyên ngành để học hỏi. Đó là phần hát, diễn xuất, đến phần vũ đạo tôi cũng rất may mắn bởi ngay tại ở Việt Nam tôi có một cô giáo đến từ Vương quốc Anh, cô xuất thân từ nhạc kịch, tốt nghiệp một trong hai trường đào tạo vũ đạo cho nhạc kịch lớn nhất ở London làm việc và giúp đỡ tôi có những vũ đạo đúng chất Broadway nhất trên sân khấn.

- Khi xem những vở nhạc kịch ở Broadway tôi phát hiện ra một điều rằng rạp hát người ta chỉ chiếu duy nhất một vở diễn thôi, và có những vở diễn như “Phantom of the Opera”  đã diễn 16 năm nay tại một rạp hát Majestic thôi?

- Trước khi qua Broadway tôi không hiểu lý do tại sao một cái phố có đến mấy chục, có khi cả trăm nhà hát (?!) Ở nước ta chỉ có một số nhà hát chính và cứ hết show diễn này dọn ra thì show khác dọn vào, tôi mới thắc mắc tại sao ở nước ngoài họ không làm như vậy mà phải cất công xây rất nhiều nhà hát để tạo thành một con đường nhà hát! Khi đi xem, tìm hiểu tôi phát hiện ra rằng muốn có được một vở Broadway thật sự không hề dễ dàng, nó là sự đầu tư khủng khiếp và chuyên nghiệp để mang đến một vở nhạc kịch Broadway kỳ diệu cho khán giả.  

- Chương trình “Music of the night” của anh đã đoạt giải Cống hiến. Cảm xúc của anh khi giới thiệu nhạc kịch đến Việt Nam và đoạt giải thưởng quan trọng như vậy?

- Đó là một sự khích lệ, niềm hạnh phúc rất lớn đối với tôi! Khi nhận giải thưởng “Cống hiến” tôi hiểu rằng, tuy mới giới thiệu thôi nhưng có nghĩa là cố gắng của mình có hiệu quả. Bước đầu đã làm cho mọi người biết, bị thuyết phục và chắc chắn mọi người đã nhận ra được sự kỳ diệu của thể loại âm nhạc này. 

- Trong tương lai anh có ý định tiếp tục đi theo con đường nhạc kịch Broadway không?

- Tôi không phải là một ca sỹ nhạc kịch thuần túy, thể loại âm nhạc tôi theo đuổi là cổ điển giao thoa và nhạc kịch chỉ là một nhánh trong đó. Nhưng đây lại là một thể loại âm nhạc trong nhánh quan trọng nhất và tôi quyết tâm dần đưa thể loại này nhiều hơn về chất, cách thức biểu diễn, vũ đạo, xây dựng không gian của nhạc kịch, những bài riêng lẻ, những trích đoạn ngắn, khi đó tôi cần sự hỗ trợ của rất nhiều người với mức độ đầu tư lớn hơn.

- Nhạc kịch không phải là một thể loại nhạc dễ nghe, anh có sợ rằng sẽ bị thu hẹp đi lượng khán giả không?

- Ai đi xem nhạc kịch sẽ phát hiện ra rằng nhạc kịch không phải loại nhạc khó nghe. Nhạc kịch là loại nhạc dễ nghe khủng khiếp, vì sao? Bởi hiện nay nhạc kịch là loại hình giải trí hàng đầu tại các trung tâm giải trí lớn nhất của thế giới - nơi đây tập trung số lượng rất đông khách du lịch, đa dạng về thành phần, chính vì thế nhạc kịch được xây dựng để đáp ứng được thị hiếu, sở thích của một số lượng khán giả rất lớn mới mang tính giải trí cao. Từ đó điều kiện đầu tiên của nhạc kịch là phải dễ nghe, hợp thời, tất nhiên về mặt nghệ thuật thì không còn gì phải bàn cãi nữa. Nhạc kịch được vận động theo quy luật cạnh tranh, vở nhạc kịch nào đáp ứng được thị hiếu của nhiều người hơn thì vở nhạc kịch đó nổi tiếng hơn. Chính vì thế tôi muốn khán giả dẹp bớt những định kiến về cái được gọi là nhạc kịch, vì cái mà tôi đang giới thiệu là nhạc kịch hiện đại nên phù hợp với mọi giới, mọi đối tượng khán giả. 

- Thực hiện album thường rất tốn kém, các ca sỹ ra album nhiều khi đơn thuần để khán giả khỏi quên mình, với anh thì sao?

- Tôi đam mê với việc làm album và tôi không thể ngừng được! Đó là một việc mà trong khoảnh khắc nào đó nếu tôi không làm thì tôi không thích cái cảm giác đó. Tôi thích cảm giác lúc nào cũng phải đang chăm sóc cho một sản phẩm nào đấy.

- Hình như anh ôm đồm quá khi vừa giới thiệu nhạc kịch, vừa thể hiện những bài hát mới của những nhạc sỹ như Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn… Có vẻ như anh đang cố gắng chiều lòng tất cả khán giả?

- Trước đây tôi thấy âm nhạc được mọi người chia ra rất nhiều thể loại, nhưng mà tôi lại có quan điểm là một ca sỹ sẽ biểu diễn được rất đa dạng nếu mình biết biến tất cả những thứ đó thành sở trường của mình. Nếu nói tôi ôm đồm tôi cũng nhận, nói tôi tham lam tôi cũng nhận, đó là đam mê nên mình đành phải chịu. 

- Được biết anh từng là sinh viên khoa Quản trị kinh doanh của ĐH Ngoại thương, sao một người mê kinh doanh lại trở thành ca sỹ được vậy?

- Chính xác là tôi học Kinh tế Đối ngoại của ĐH Ngoại thương. Tại sao đến nay tôi lại trở thành một ca sỹ thì tôi cũng nói thật tôi học Ngoại thương từ năm 1998, còn tôi đi hát từ năm 1981. (Cười) Từ khi biết nói là tôi đã hát rồi, và hát một cách rất tự nhiên, còn việc học tại một trường đại học nào đó là chuyện hết sức bình thường, rất nhiều sinh viên hiện nay ra trường làm không đúng ngành nghề mình học. Quan trọng là môi trường đại học cung cấp cho tôi sự khác biệt trong tính khoa học, sự tư duy, cũng như cách thức tôi làm âm nhạc.

- Người ta có nói rằng Đức Tuấn là một người rất chỉn chu trong các sản phẩm âm nhạc của mình, vậy đời thường thì sao?

- Thực sự thì tôi chỉn chu nhưng lại rất “open”, rất thoáng trong việc tiếp cận những cái mới, trong việc thưởng thức nghệ thuật. Ngoài đời tôi là người dễ hòa nhập vào một môi trường mới, trong âm nhạc cái gì thiên về chuẩn mực, cơ bản tôi vô cùng trân trọng. 

- Anh có phải là người cầu toàn không vậy?

- Trong âm nhạc tôi là một người cực kỳ cầu toàn, nhưng nếu mà ngoài đời mà cũng cầu toàn nữa thì cuộc sống lúc đó sẽ vô cũng khó khăn. Tôi là một người cực kỳ đơn giản, vô tư và chắc điều đó giúp tôi cân bằng lại sự cầu toàn trong công việc. 

- Thế còn chuyện tình cảm của anh?

- Tôi là một người vô cùng đơn giản trong tình cảm, không bao giờ có những chuẩn mực nhất định về tình cảm. 

- Tôi thấy có rất nhiều tiết mục hợp tác, biểu diễn với Nữ hoàng Dancesport Khánh Thi, cho hỏi không biết tin đồn chuyện tình cảm giữa hai anh chị có đúng không?

- Vấn đề là tôi rất thích tin đồn. (Cười) Tin đồn hãy cứ để nó là tin đồn, nó luôn có những điều hấp dẫn riêng của nó. 

- Anh có cố tình tạo ra tin đồn không?

- Tôi không cố tình tạo ra tin đồn, nhưng mà một khi đã có tin đồn rồi tôi không bao giờ đính chính, khẳng định, hay xác minh bất cứ thứ gì trên tin đồn. Bản thân cái chữ “tin đồn” nó khá là thú vị với rất nhiều người, đó là một sự thật! 

- Cảm ơn và chúc anh thành công với musical!