Cả hai đều phải mạnh

ANTĐ - Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đã được Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu bằng trí tuệ và tâm huyết của mình, nghiên cứu, đề xuất những sáng kiến đổi mới để Ban chỉ đạo làm cơ sở hoàn thiện. Tại phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu sẽ đóng góp các ý kiến về những nội dung cơ bản của Đề án, trong đó có một số vấn đề cải tiến có thể thực hiện được ngay trong kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII.

Nhiệm kỳ khóa XII của Quốc hội là một nhiệm kỳ sôi động với những phiên thảo luận, những ý kiến đóng góp và phản biện tạo được dấu ấn trong cử tri và nhân dân. Vậy Quốc hội khóa XIII có làm được như vậy không? Trả lời câu hỏi này của giới truyền thông, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạng, tại mỗi nhiệm kỳ, mỗi thời điểm đều có những trọng trách, những sứ mệnh khác nhau.

Theo quy luật của sự phát triển, nhiệm kỳ sau thừa kế, tiếp tục phát huy những thế mạnh và khắc phục những điểm còn chưa hoàn hảo của nhiệm kỳ trước để đảm bảo cho sự phát triển liên tục và ngày càng hiệu quả hơn. Mọi sự phát triển hôm nay đều phải là sự kế thừa và hoàn thiện từ ngày hôm qua. Vì vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, việc xây dựng đề án cần được thực hiện một cách bài bản, khoa học, có bước đi vững chắc, đảm bảo phát huy dân chủ tập hợp trí tuệ của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, qua đó vừa nâng cao chất lượng hoạt động, vừa tiết kiệm thời gian làm việc của Quốc hội.

Một trong những nội dung trọng tâm của đề án là củng cố vững chắc mối quan hệ hữu cơ, biện chứng giữa Quốc hội và Chính phủ. Cả hai cơ quan lập pháp và hành pháp đều phải mạnh. Chủ tịch Quốc hội phân tích sâu sắc rằng, Chính phủ có mạnh thì hoạt động của Quốc hội mới hiệu quả. Cụ thể là, trong công tác lập pháp, các dự án luật mà Chính phủ trình ra nếu chất lượng cao, thì khi Quốc hội thông qua luật mới có tính hiệu lực và hiệu quả cao, phù hợp với thực tiễn.

Đối với những vấn đề quan trọng của đất nước, Chính phủ là cơ quan hành pháp, là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, Chính phủ điều hành, tổ chức thực hiện đưa các nghị quyết của Quốc hội về những vấn đề quan trọng đi vào đời sống kinh tế - xã hội, phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Đối với vấn đề giám sát thì Chính phủ có cơ quan thanh tra, kiểm tra hoạt động có hiệu quả sẽ góp phần đắc lực cho chức năng giám sát của Quốc hội.

Sự phản biện của Quốc hội, suy cho cùng chính là để tạo sự thống nhất cao hơn cho Chính phủ hành động. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, vấn đề đổi mới Quốc hội đã được đề ra khẩn trương và mạnh mẽ. Mặc dù tại phiên họp này, có ý kiến của lãnh đạo một ủy ban của Quốc hội cho rằng, đổi mới phải đảm bảo tính khoa học, không có nghĩa là nhiệm kỳ này thì đổi mới thế này, nhiệm kỳ khác lại đổi mới thế khác, cứ quanh đi quẩn lại, vừa mất thời gian, vừa tốn tiền của dân. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của Quốc hội với 7 điểm đổi mới cách thức tổ chức các quy trình lập pháp, công tác kiểm tra, phối hợp thẩm tra; hoạt động tiếp xúc cử tri, theo dõi việc giải quyết và báo cáo kết quả với cử tri…

Xem xét một số ý tưởng đổi mới hoạt động của Quốc hội có thể áp dụng ngay trong kỳ họp thứ hai sắp tới của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, điều mà Quốc hội quan tâm nhất trong việc đổi mới là làm sao tập hợp được trí tuệ và tâm huyết của các đại biểu Quốc hội, làm sao để Quốc hội - Chính phủ, cả hai đều phải mạnh.