Búp bê kể chuyện vui buồn

ANTĐ - Những hình ảnh ngộ nghĩnh, hồn nhiên của trẻ con cho đến những nhân vật mô phỏng như người thật với đủ nỗi buồn, vui, lo lắng… đều trở thành những sản phẩm búp bê sống động dưới bàn tay khéo léo của Trần Thu Hằng, cô gái đi tiên phong trong việc làm búp bê nghệ thuật (Art Doll) ở Việt Nam.

Thế giới tuổi thơ luôn là đề tài hấp dẫn đối với Trần Thu Hằng 

Muôn vẻ hình hài búp bê

Dù là búp bê lịch sử, búp bê nhân vật hay đơn giản là miêu tả những cảnh sinh hoạt thường ngày… mỗi sản phẩm của Trần Thu Hằng đều tái hiện một câu chuyện, ý tưởng cụ thể. Từ những tác phẩm ngộ nghĩnh như “Bé trai”, “Mẹ vắng nhà”, “Ngủ gật”, “Lớp học”… đến những nhân vật cổ tích đều được chị tái hiện qua những hoạt cảnh sinh động, có chiều sâu. Kể cả khi đứng riêng biệt, không giống với những loại búp bê thông thường, mỗi sản phẩm của Trần Thu Hằng đều mang những trạng thái hết sức linh hoạt. Yếu tố hài hước luôn được tập trung khai thác, từ cậu bé nhấp nhổm ngồi bô, cho đến cử chỉ một bé gái giận dỗi, nước mắt nước mũi chảy dài… mà ta có thể bắt gặp ở bất cứ nơi nào.

Đối với Trần Thu Hằng, thế giới tuổi thơ với bao điều ngộ nghĩnh, đáng yêu chính là niềm cảm hứng dồi dào để chị sáng tác. Để thổi hồn cho búp bê, toàn bộ các công đoạn chế tác, từ tạo khuôn, đổ phôi, đẽo gọt, sơn mài, trang trí… đều được làm hoàn toàn thủ công. Trong đó, việc tìm nguyên liệu và dụng cụ chế tác là khó khăn lớn nhất khi chị mới làm quen với nghề vì không có bất cứ ai đã từng thử trước để so sánh, học hỏi. Dần dà, chị rút được một số  kinh nghiệm riêng trong việc chọn lựa các loại gỗ. Gỗ được chọn chạm khắc phải mềm, vân, thớ gỗ không quá dày để khi đục, đẽo không bị đứt, sản phẩm làm ra có tính thẩm mỹ cao. Tương tự, phải sử dụng những vật dụng kích cỡ tương ứng như dao bài dùng để bổ cau hay dao mổ, để có thể chạm khắc những hoa văn, hoạ tiết li ti trên thân gỗ. 

Học cắt kính để làm búp bê

Theo đuổi việc làm búp bê nghệ thuật từ năm 2007, ít ai biết được Trần Thu Hằng đã phải học nhiều nghề để chế tác ra những sản phẩm nghệ thuật kỳ công. Những con búp bê được làm phần lớn từ gỗ nhưng với những bộ búp bê theo chủ đề, đòi hỏi phải sử dụng những chất liệu thật để từng chi tiết được tạo ra đều sống động. Chính vậy mà sau khi tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Trần Thu Hằng đã từng mày mò học những thao tác của đủ thứ nghề xây, chát vôi vữa cho đến nghề mộc, cắt kính để tạo ra các chi tiết một cách hoàn hảo và thật nhất cho sản phẩm búp bê của mình. Chẳng hạn để làm ra một chiếc lò sưởi, chị phải dùng những viên gạch thật, đập nhỏ rồi mài nhẵn để ghép chúng lại hoàn chỉnh. Hay với tác phẩm mang tên “Bắc thang lên trời để hái sao”, không ưng ý với các chất liệu như hạt cườm, pha lê, nhựa… chị tự mày mò cắt kính, thủy tinh để làm thành những ngôi sao lung linh như thật. Đối với mỗi bộ trang phục cho búp bê, chị tỉ mỉ thu lượm từng mẩu vải vụn rồi ráp chúng lại thành bộ váy, áo nhiều màu sắc. Mỗi chi tiết nhỏ có trong bộ búp bê của Trần Thu Hằng đều được nghiên cứu, tạo hình rất công phu. Từ nét mặt, cử chỉ nhân vật cho đến từng sợi tóc, đôi giày hay hình dáng một chiếc áo con cũng được tỉ mỉ, trau chuốt. Khách tham quan đến triển lãm của chị đều xuýt xoa khi thấy từng đường vân tay hay chiếc kim băng nhỏ xíu được gắn sau áo của những con búp bê. 

Không chỉ dành cho trẻ con

Hiếm có loại búp bê nào đòi hỏi người làm ra phải thông hiểu, nắm bắt được thao tác về điêu khắc, hội họa và sắp đặt như búp bê nghệ thuật của Trần Thu Hằng. Dụng công để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh, tinh xảo như vậy, những con búp bê của chị khi thành phẩm mang thần thái, biểu cảm giống y như thật nên chúng mang lại cho người xem cảm giác… sờ sợ xen lẫn thích thú. Với mỗi sản phẩm của Trần Thu Hằng, ta không chỉ xem qua loa, mà càng ngắm kỹ mới thấy được những con búp bê gỗ này có một sức cuốn hút lạ kỳ. Điều này có được chính là nhờ chiều sâu ý tưởng mà người nghệ sỹ thổi vào trong tác phẩm. 

Đối với Trần Thu Hằng, búp bê nghệ thuật không chỉ là món đồ chơi trẻ con mà hoàn toàn có thể trở thành một chất liệu để truyền tải những câu chuyện, những thông điệp vượt ra ngoài tính giải trí. Với ý nghĩa đó, sau khi đã tương đối  ở mảng đề tài tuổi thơ, Trần Thu Hằng sẽ muốn sản phẩm của mình mang tầm vóc lớn hơn, cả về hình thức lẫn chiều sâu tư duy. Chị cho biết trong tương lai sẽ khai thác thêm những đề tài mang ý nghĩa xã hội lớn như cuộc sống hôn nhân và gia đình, như một sự phản biện đối với những mặt trái của cuộc sống. “Tôi hy vọng mọi người nhìn búp bê không chỉ là một thứ đồ để trưng bày mà coi chúng như một tác phẩm nghệ thuật thực sự, càng nhìn ngắm bạn càng cảm nhận được nhiều ý nghĩa mà nó mang lại” - Trần Thu Hằng chia sẻ.