Bức ảnh về bé gái 4 tuổi Syria “bóp nghẹt” hàng triệu trái tim

ANTĐ - Vì nhầm tưởng ống kính máy ảnh là một khẩu súng, bé gái 4 tuổi người Syria đã vội giơ hai tay lên đầu hàng. Khoảnh khắc ánh mắt trẻ thơ vô tội, môi mím chặt, hoảng sợ trước sự khắc nghiệt của chiến tranh dường như đã bóp nghẹt hàng triệu trái tim và ám ảnh người xem mãi không thôi.

Bức ảnh “xuất thần” về bé gái Hudea được nhiếp ảnh gia Osman Sagirli chụp vào năm ngoái trong một lần ông đến thăm trại tị nạn Atmeh, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chỉ 10km. Tưởng rằng ống kính máy ảnh là một khẩu súng, cô bé Hudea đã vội vã giơ tay lên đầu với mong muốn được tha chết. Bên trong hành động như một phản xạ vô điều kiện của Hudea khiến người xem thực sự cảm nhận được hiện thực tàn khốc mà những người dân Syria đang hàng ngày, hàng giờ phải chịu đựng.

Bé gái Hudea 4 tuổi trong bức ảnh được nhiếp ảnh gia Osman Sagirli chụp vào năm ngoái 

Lớn lên trong mảnh đất chiến tranh liên miên, số tuổi của Hudea bằng đúng số năm xảy ra nội chiến ở Syria. Dường như chiến tranh, bom đạn, pháo súng… là những điều đã trở lên quen thuộc với ngay cả những đứa trẻ nhỏ tuổi như em.

Sau khi cha bị giết chết trong vụ thảm sát Hama năm 2012, bà, mẹ và anh chị em của Hudea đã đến sống trong trại tị nạn Atmeh, Syria. Nhưng cách đây 2 tuần, gia đình cô bé quyết định đánh cược số phận di chuyển đến thành phố Idlib, phía nam đất nước để tránh nạn.

Idlib đã trở thành "thành phố chết" sau khi rơi vào tay Al Nusra

Tuy nhiên, Idilb lại chính thức rơi vào tay Mặt trận Al Nusra, một nhánh của nhóm khủng bố khét tiếng Al Qaeda vào cuối tuần qua. Điều này có nghĩa gia đình cô bé một lần nữa có thể trở thành nạn nhân trong các cuộc chiến đấu liên miên không ngừng nghỉ của chế độ Syria và các phiến quân cực đoan, cuộc chiến mà khiến 220.000 người Syria thiệt mạng, trong đó có 10.000 trẻ em vô tội.
Bức ảnh về bé gái 4 tuổi Syria “bóp nghẹt” hàng triệu trái tim ảnh 3Cuộc sống khốn khổ của những người tị nạn ở trại Atmeh, nơi gia đình Hudea từng sống

Trong suốt cuộc nội chiến 4 năm qua, Idlib là thành phố thứ 2, sau thủ phủ Raqqa bị rơi vào tay phiến quân cực đoan. Sau khi chiếm đóng được thành phố, Al Nusra đã ngay lập tức áp đặt các luật Sharia hà khắc, đốt cháy những gì mà nhóm cho là sai trái. Theo Daily Mail, Al Nusra cũng cực đoan không kém so với tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS, cũng hành quyết và xử tử dân thường bằng những hình thức dã man như ném đá, chặt đầu, đẩy xuống đất từ tòa nhà cao tầng.

Có lẽ đối với một đứa trẻ như Hudea, cuộc sống trong “thành phố chết” Idlib sẽ không khó khăn bởi em cũng từng phải sống và tồn tại trong những chế độ không kém phần khắc nghiệt. Nhưng day dứt hơn cả là dường như cuộc trốn chạy của gia đình Hudea sẽ không bao giờ có kết quả. Và thế giới sẽ phải làm điều gì để những người dân Syria vô tội, những em bé nhỏ tuổi như Hudea không phải giơ tay đầu hàng trước máy ảnh...