Bữa cơm gia đình thời “hiện đại”: Ăn sẵn nhiều dễ…mất ngon

ANTĐ - Khi cuộc sống ngày càng phát triển kéo theo sự bận rộn của mỗi người, các dịch vụ ăn uống lại càng thêm phong phú để đáp ứng mọi nhu cầu. Thế nhưng, nếu quá lệ thuộc vào những dịch vụ “ăn sẵn” như vậy, sự đầm ấm của mỗi gia đình có thể bị đe dọa, chưa kể vấn đề đảm bảo sức khỏe cho từng thành viên.

Tận dụng tối đa các dịch vụ “ăn sẵn”

Cặp vợ chồng trẻ anh Toàn, chị Hương luôn coi mình là may mắn vì đã mua được một căn nhà khang trang ở Hà Nội, sau khi nhờ được sự hỗ trợ của gia đình hai bên cùng nỗ lực “cày ải” của anh chị.

Vì bận rộn nên hai vợ chồng thống nhất là bữa sáng, bữa trưa thì “thân ai nấy lo”, còn buổi tối, nếu được về sớm thì hai người sẽ cùng đi chợ và nấu ăn. Vậy nhưng với khối lượng công việc không nhỏ, chẳng mấy khi họ được về sớm như dự định.

Kết quả là từ khi lấy nhau tới giờ, số bữa cơm tự nấu của anh Toàn và chị Hương chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại là họ ra hàng ăn.

Bữa cơm tự nấu ở mỗi gia đình luôn có giá trị riêng

“Nhanh, tiện, về là được nghỉ ngơi. Thời nay mà cứ bôi việc nhà ra thì nhọc lắm. Mà ăn ngoài cũng không đắt đỏ gì, họ bán nhiều mà. Nấu nướng đầy đủ gia vị, mình tự làm thì nhiều khi không đủ bằng” – chị Hương chia sẻ về cuộc sống thường xuyên “ăn sẵn” của nhà mình.

Cũng có hoàn cảnh tương tự như vậy, gia đình nhà anh Tiệp và chị Vân chẳng mấy khi có bữa cơm tự nấu. Con nhỏ mà nhà lại không có điều kiện thuê người giúp việc nên ngoài chuyện hoàn thành công việc ban ngày, hai anh chị phân công nhau đưa đón con đi học là đã cảm thấy thấm mệt.

Chị Vân cho hay: “Giải pháp ăn uống ở nhà mình là ra hàng hoặc khi nào ngại thì gọi dịch vụ mang tới tận nơi. Giờ nhiều dịch vụ tiện lắm, chọn món qua mạng rồi nhấc điện thoại lên, chỉ 30 phút sau là có đồ ăn rồi. Kể cả muốn ăn lẩu cũng có kiểu mang tận nơi. Xong xuôi cũng không phải mất công rửa nhiều nồi xoong, bát đũa”.

Cơm tự nấu có “giá trị” riêng

Tưởng tiện lợi là vậy, song nếu duy trì thói quen ăn sẵn ngày này qua ngày khác, cuộc sống gia đình khó giữ được sự đầm ấm vốn có, cũng như sức khỏe của mỗi thành viên không được đảm bảo.

Như vợ chồng anh Toàn và chị Hương kể trên, dù hai người có cuộc sống năng động và thoải mái vì được sống riêng trong ngôi nhà tiện nghi song anh Toàn vẫn thú nhận là mình luôn cảm thấy “thiêu thiếu” một bữa cơm nóng hổi do vợ nấu.

“Mình dễ ăn, không kén chọn gì cả, nên việc ăn hàng nhiều không phải là vấn đề gì to tát. Nhưng ăn hàng thì cảm thấy không ấm bụng và dễ chịu như cơm nhà. Có khi ở nhà, vợ chỉ nấu một, hai món thôi nhưng cơm canh nóng hổi, vừa miệng thì dễ ăn, thoải mái lắm” – anh Toàn bày tỏ.

Cũng vì tâm lý “đằng nào cũng ăn ngoài hàng” nên có nhiều bữa tối, anh Toàn tụ tập cùng bạn bè cho vui, để vợ tự túc, khiến chị Hương không ít lần mặt nặng mày nhẹ.

Trong khi đó, những thông tin mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở các hàng quán trong suốt thời gian qua khiến vợ chồng anh Tiệp, chị Vân lo ngại thực sự, vì ngoài anh chị thì đứa con nhỏ cũng thường xuyên phải “ăn sẵn” theo bố mẹ.

Có lần, cả nhà chị đã bị một phen xanh mặt sau khi ăn bún ngan măng ngoài hàng, vì ai cũng bị đau bụng và nôn mửa.

Cô Phạm Thị Lụa, một “bà nội trợ” rất quan tâm tới bữa cơm gia đình, chia sẻ: “Vẫn biết việc ăn hàng quán, mua đồ ăn sẵn là tiện lợi và phù hợp với nhiều gia đình bận rộn hiện nay, nhưng đánh đổi lại thì cũng là những mất mát không nhỏ, cả về không khí gia đình và chất lượng bữa ăn. Ngay từ đầu, tôi đã xác định tầm quan trọng của việc nấu một bữa cơm ấm cúng cho cả nhà nên phải lên kế hoạch mua sắm thực phẩm từ trước, sao cho có bận vẫn đủ thời gian nấu dăm ba món cơ bản. Các loại gia vị luôn được chuẩn bị sẵn, vì đây là những thành phần quan trọng giúp món ăn thêm hấp dẫn. Mỗi lần chồng con ăn no và tỏ ra hào hứng sau bữa ăn, tôi lại thấy mình có thêm động lực cho những bữa cơm về sau”.