Bong bóng bất động sản… xì hơi

ANTĐ - Địa ốc Dầu khí (PVL) chấp nhận hạ 35% giá căn hộ Petro Vietnam Landmark do áp lực thanh toán khoản vay đến hạn 100 tỷ đồng với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và dự kiến lỗ khoảng 70 tỷ đồng sau khi bán được hết số căn hộ với giá công bố giảm.

Không chỉ có Địa ốc Dầu khí, hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản (BĐS), đặc biệt ở 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM cũng liên tục giảm giá mạnh kể từ đầu năm đến nay với mức phổ biến từ 20%-30%.

Liệu có cơ sở để tin rằng sẽ có thể có những dự án được bán tháo trong thời gian tới? Từ câu chuyện giảm giá kỷ lục để cắt lỗ của Công ty Cổ phần Địa ốc Dầu khí sẽ mở ra làn sóng giảm giá trên thị trường BĐS trong thời gian tới?

Tại thị trường BĐS Hà Nội cũng đã có dấu hiệu “hạ nhiệt” rõ rệt, khi hàng loạt các dự án BĐS cao cấp đang giảm giá. Điển hình như dự án Geleximco (Đại lộ Thăng Long, Hà Nội), khu A, B, C, D đã giảm từ 5-7 triệu đồng/m2, giá mỗi m2 liền kề hiện chỉ khoảng 40-42 triệu đồng khu A giá 55-60 triệu đồng/m2… Còn có thể kể tên rất nhiều dự án giảm giá như dự án Times City, FLC Landmark Tower, Mulberry Lane… Các dự án này được chào bán rộng rãi với mức chiết khấu khá cao từ 5% tới 10%. Đặc biệt, vào khoảng thời gian tháng 4 và 5-2011 cũng chứng kiến hiện tượng dự án Rừng Cọ Ecopark ở Hà Nội đã giảm giá đến 12%, làm ảnh hưởng tới giới chủ đầu tư căn hộ phía Bắc và cũng tạo dư luận về sóng giảm giá căn hộ có thể hình thành.

Các nhà đầu tư phải đối đầu với sự thật rằng giá BĐS đang rơi và các công ty kinh doanh BĐS không thể tiếp cận được với nguồn tài chính khi các ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, hạn chế cho vay tín dụng BĐS. Việc giảm giá ở một dự án mà chủ đầu tư có tiềm lực như Công ty PVL cho thấy đã đến lúc bong bóng giá cao của thị trường BĐS sẽ phải xẹp dần bằng cách giảm giá bán trong thời gian không xa. Thậm chí, một số chuyên gia nước ngoài còn nhận định, với diễn biến như hiện nay, bong bóng BĐS Việt Nam, đặc biệt là tại Hà Nội sẽ vỡ vào năm 2012.

Đó cũng mới chỉ là dự đoán, nhưng nguy cơ vỡ bong bóng của thị trường BĐS Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng là có. Nếu người ta tính tổng nhu cầu so với hàng trăm dự án nhà ở Hà Nội đã và đang triển khai, thì chắc là cung sẽ vượt cầu, nguy cơ đó là có thực. Thị trường nhà đất Việt Nam chứa đựng quá nhiều bất ổn, vẫn còn nhiều điều chưa minh bạch, số lượng nhà đầu tư nhỏ lẻ khá nhiều. Khi một dự án được lập ra, bản thân chủ đầu tư đã bán cho nhà đầu tư thứ cấp để kiếm chênh lệch. Bởi vậy, giá nhà đất ở Việt Nam đang bị giới đầu cơ đẩy lên cao ngất, cao gấp nhiều lần so với 2-3 năm trước đây. Nó cần trở về với giá trị thực. Trước nay, không phải ai có nhu cầu ở thì mới mua nhà mà người ta đã coi đó như một kênh đầu tư.

Lâu nay, việc giá đất Hà Nội bị giới đầu cơ thổi phồng và mỗi khi chính sách tín dụng thắt chặt lại cắm đầu giảm giá. Điều này đã khiến nhiều người liên tưởng bong bóng BĐS đang vỡ. Cũng đã nhiều lần bong bóng BĐS Việt Nam căng ra nhưng rồi lại tự xẹp. Vì thực tế, nguồn cung BĐS của Việt Nam chưa phải quá nhiều, sức mua của người dân cũng chưa phải quá lớn để có thể tạo ra một thị trường có dung lượng áp đảo so với các thị trường hàng hóa khác.

Nhìn ở bình diện chung của thị trường, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng nổ bong bóng BĐS là điều không có ở Việt Nam. Theo phân tích của Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch UB Giám sát Tài chính quốc gia, thị trường BĐS chưa hội tụ đủ các điều kiện để có thể xảy ra hiện tượng “nổ bong bóng” tại thời điểm này, nếu có xảy ra thì ít nhất là 10 năm tới. Bởi vậy, lần nữa bong bóng BĐS lại chỉ… xì hơi.