- Người dân bất lực nhìn tài sản ngập trong "đại hồng thuỷ" ở thành phố Sơn La
- Văn Quán - Hà Đông ngập nước mênh mông
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân trong cơn lũ lớn lịch sử |
Tính đến 11h ngày 24-7, trên địa bàn tỉnh Sơn La, có ba người tử vong; năm người mất tích và một người bị thương do mưa lũ.
Cụ thể, 3 người tử vong tại huyện Mai Sơn gồm: Giàng Thị D., sinh năm 1995, và Vàng A B., sinh năm 2016, cùng trú tại bản Hua Pư, xã Chiềng Nơi; Lò Văn Th., sinh năm 2019, trú tại bản Ta Vắt, xã Phiêng Pằn.
Năm người mất tích và một người bị thương chưa được xác định.
Tại thành phố Hà Nội, vào lúc 17h30 ngày 23-7, tại ngầm tràn Vai Trại, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, ông Nguyễn Văn Th. sinh năm 1968 (ở xóm Mới, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai) trên đường đi làm về qua ngầm tràn bị lũ cuốn.
Dù được người dân cứu vớt, đưa vào trạm yết xã Đông Xuân cấp cứu, tuy nhiên nạn nhân đã tử vong.
Hiện nay, trên các sông ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên trên các sông từ 2-5m.
Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông thuộc tỉnh Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình và cửa sông ven biển có khả năng lên mức báo động hai.
Đỉnh lũ trên các sông tại tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ và thượng lưu sông Thái Bình lên mức báo động một - báo động hai; đỉnh lũ thượng lưu sông Mã, sông Bưởi lên mức báo động một.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông và các khu đô thị tại các tỉnh khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ; lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hóa.
Từ ngày 23-7 đến đêm ngày 25-7, trên các sông ở khu vực Hà Nội cũng có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ từ 1,0 đến 1,5m.
Trong đợt lũ này, đỉnh lũ hạ lưu sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy dưới mức báo động một; sông Tích, sông Bùi và một số sông suối nhỏ, sông nội tỉnh ở mức từ báo động một đến báo động hai.