Bội chi - hợp lý nhưng vẫn lo!

ANTĐ - Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố tình hình thu chi ngân sách 7 tháng đầu năm 2016, theo đó, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) từ đầu năm đến nay ước đạt 500,8 nghìn tỷ đồng, trong khi đó, tổng chi ước đạt 606,4 nghìn tỷ đồng, nghĩa là ngân sách ước đã bội chi trên 105.000 tỷ đồng. 

Theo các chuyên gia, so với mức bội chi ngân sách cả năm được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2016 là 254.000 tỷ đồng thì con số bội chi những tháng đầu năm như vậy là hợp lý và đến thời điểm này, tốc độ thu ngân sách vẫn cao hơn tốc độ chi. 

Tuy nhiên, không phải vì vậy mà không còn mối lo, bởi tình trạng chi vượt thu kéo dài triền miên không được cải thiện, thậm chí tháng sau cao hơn tháng trước, năm sau cao hơn năm trước là điều đáng lo ngại. Hơn nữa, từ nay đến cuối năm, tốc độ tăng bội chi rất khó giữ ở mức hiện nay, bởi thông thường những tháng cuối năm, nhu cầu chi tiêu sẽ tăng mạnh.

Mặc dù Bộ Tài chính đặt mục tiêu bội chi NSNN so với GDP là 4,95%, nhưng theo dự báo của các tổ chức kinh tế quốc tế và nhiều chuyên gia thì mức bội chi thực tế sẽ cao hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Theo dự báo của Ngân hàng HSBC, mức bội chi ngân sách của Việt Nam năm nay có thể lên tới 6,6% GDP. Còn theo phân tích của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nếu tốc độ tăng trưởng GDP năm nay thấp hơn kế hoạch thì khả năng bội chi NSNN trên GDP vẫn sẽ vượt 0,5% so với dự toán. 

Làm ra ít mà chi nhiều tất nhiên phải đi vay nợ để tiêu. Thâm hụt ngân sách lớn, rủi ro nhiều, các khoản vay nước ngoài sẽ bị yêu cầu trả lãi suất cao, hệ số tín dụng cao. Ngay cả phát hành trái phiếu Chính phủ cũng là một hình thức vay tiền với lãi suất cao (trên 7%). Vay nhiều, nợ lớn, lãi cao… nguy cơ là hiển hiện.

Dù có nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng có thể nói tình trạng bội chi không được cải thiện nguyên nhân sâu xa vẫn là kỷ luật tài chính ngân sách còn quá kém. Trong đó cơ chế xin - cho, tâm lý dựa dẫm vào ngân sách Trung ương, đầu tư không hiệu quả, tăng chi vượt dự toán ở nhiều địa phương... vẫn tạo nên những “thị phần” lớn nhất trong “miếng bánh” chi tiêu công của Nhà nước. 

Thực tế thì thu ngân sách nước ta hiện không quá khó khăn nhưng vấn đề là do chi quá nhiều so với khả năng ngân sách. Bởi vậy, yêu cầu thắt chặt chi tiêu công vẫn là giải pháp cấp thiết, nhất là trong bối cảnh bội chi cao và nợ công sát mức trần 65% GDP. Do đó, bên cạnh tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chống nợ đọng thì phải kiên quyết chi ngân sách theo đúng dự toán đã được thông qua, không chi ngoài dự toán, trừ trường hợp phát sinh cấp bách cần chi để đảm bảo đời sống dân sinh. Đặc biệt phải làm rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương, cơ quan trong việc chi tiêu công.

Tại một hội nghị ngành tài chính hồi đầu tháng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “Địa phương nào khả năng không đạt thu năm nay thì phải giảm chỉ tiêu chi tương ứng, không thể để tình trạng bội chi tăng rồi lại về xin Trung ương hỗ trợ, NSNN không thể bù đắp mãi được”. Đã đến lúc xin gì, vay gì phải có mục đích rõ ràng, phải có người chịu trách nhiệm và phải xử lý nếu khoản tiền của Nhà nước bị sử dụng bất hợp lý.