Bóc mẽ chiêu "đuổi kèm mạn trái, đâm va mạn phải" của tàu Trung Quốc

ANTĐ - Không phải tự nhiên mà tàu Trung Quốc khi đuổi kèm tàu Việt Nam thường chạy bên mạn trái, song khi đâm va lại luồn sang mạn phải.
Tại cuộc hội thảo với chủ đề “Philippines, Việt Nam và các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông” do Trung tâm Wilson tổ chức ngày 3-6 tại thủ đô Washington, các học giả cho rằng các diễn biến trên thực địa trong vài tuần qua cho thấy việc làm sai trái của Trung Quốc có nguy cơ trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Bóc mẽ chiêu "đuổi kèm mạn trái, đâm va mạn phải" của tàu Trung Quốc ảnh 1
Tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc xuất hiện khu vực vùng biển phía
 đông nam giàn khoan Hải Dương 981- Ảnh: Tuổi Trẻ.

Ông Robert Daly, Giám đốc Viện nghiên cứu Kissinger về Mỹ và Trung Quốc, cho rằng vấn đề là ở chỗ Trung Quốc đã bỏ qua hoặc cố ý hiểu sai luật pháp quốc tế, không tôn trọng trật tự trên cơ sở luật pháp quốc tế đã được chấp nhận một cách phổ quát. Nước này trong các đòi hỏi chủ quyền của mình đã không dựa trên luật pháp quốc tế mà dựa vào các “quyền lịch sử.” 
Ông đặt câu hỏi về vấn đề bằng chứng pháp lý ra sao, vai trò của luật pháp quốc tế và khuôn khổ nào để giúp giải quyết các tranh chấp này.
Cho đến nay, tàu của Trung Quốc vẫn hết sức hung hăng, cản phá, đâm vào các tàu thuyền của Việt Nam và chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ rút giàn khoan ra trước ngày 15-8 tới. Việt Nam đang tranh thủ tất cả mọi biện pháp, cơ hội có thể để giải quyết một cách hòa bình trong việc buộc Trung Quốc đưa giàn khoan ra khỏi thềm lục địa của Việt Nam. Trong các giải pháp mà Việt Nam đang theo đuổi có việc đưa Trung Quốc ra Tòa án quốc tế.

Trung Quốc thừa nhận đâm thủng tàu Việt Nam

Báo South China Morning Post của Hong Kong hôm qua dẫn nguồn từ kênh quân sự thuộc Đài Phát thanh Quốc gia của Trung Quốc khẳng định, các tàu Trung Quốc đã đâm thủng tàu Việt Nam ở gần vị trí giàn khoan Hải Dương 981.

Theo Đài Phát thanh Quốc gia của Trung Quốc, vụ đâm va đầu tiên xảy ra vào khoảng 12h30 hôm Chủ nhật, khi một tàu hải cảnh của Trung Quốc phun nước vào một tàu kiểm ngư của Việt Nam trong 5 phút, rồi tàu Việt Nam mang số 635 rời đi.

Hai tàu khác của Trung Quốc đã chặn các tàu hỗ trợ của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đang đến để giúp đỡ tàu bị tấn công.

Khoảng 5h chiều hôm đó, một tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam mang số hiệu CSB-2016 bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 46015 va vào, khiến tàu Việt Nam bị 4 lỗ thủng bên mạn phải và bị nghiêng, nhiều thiết bị như ống khí bị hỏng, Đài Phát thanh Trung Quốc nói.
Tàu Trung Quốc đang cố tạo những chứng cứ giả 

Theo Thiếu tá Hoàng Quốc Đạt, hải đội trưởng hải đội 201, Vùng 2 cảnh sát biển Việt Nam cho biết: Các tàu Trung Quốc được sử dụng đâm va chủ yếu là các tàu tốc độ cao, có khả năng bứt phá nhanh. Khi phát hiện tàu Việt Nam, những tàu này sẽ lao lên xịt vòi rồng và có thể đâm va gây hư hỏng cho tàu Việt Nam.

Đặc biệt, khi đuổi theo kèm sát, tàu Trung Quốc luôn ở bên mạn trái tàu Việt Nam nhưng khi muốn đâm va, bao giờ tàu Trung Quốc cũng luồn sang mạn phải.

Thiếu tá Đạt lý giải, theo quy định của pháp luật hàng hải quốc tế, tàu ở mạn trái có nghĩa vụ tránh đường cho tàu ở mạn phải hoạt động, nếu như đâm va thì tàu đang ở mạn trái sẽ vi phạm. Do đó, tàu Trung Quốc thường chủ động đâm vào mạn phải tàu Việt Nam để tạo những chứng cứ giả cho việc tàu họ bị thiệt hại.

Bóc mẽ chiêu "đuổi kèm mạn trái, đâm va mạn phải" của tàu Trung Quốc ảnh 2
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam

Trong ngày 3-6, trên khu vực vùng biển phía đông nam giàn khoan Hải Dương 981 xuất hiện tàu hộ vệ tên lửa 534 của Trung Quốc. Tàu hộ vệ tên lửa này hoạt động cách giàn khoan khoảng 10 hải lý. Ngoài ra, Trung Quốc điều ít nhất ba máy bay trinh sát điện tử và máy bay cánh bằng, bay thấp phía trên các tàu của Việt Nam nhằm mục đích quay phim, chụp ảnh và có thể là đe dọa.
Cuối giờ chiều 3-6, hàng trăm tàu cá Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển Hoàng Sa và về hướng giàn khoan Hải Dương 981.

Hiện chưa rõ việc Trung Quốc đưa ra nhiều tàu cá như vậy là có dụng ý gì. Các tàu cá này không thực hiện việc đánh bắt, đồng loạt tiến đến các tàu Việt Nam chừng một hải lý thì vây quanh tạo thành một vòng cung khép kín, khiến việc di chuyển của các tàu Việt Nam có phần khó khăn hơn những ngày trước.