Trả lời trực tuyến về đất đai, môi trường:

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhận khuyết điểm

ANTĐ - Hôm qua, 6-4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nguyễn Minh Quang đã có buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân. Rất nhiều vấn đề thời sự nóng hổi, đang được dư luận quan tâm trong lĩnh vực đất đai, môi trường đã được Bộ trưởng và lãnh đạo các vụ, cục thuộc Bộ TN-MT giải đáp.

- PV: Năm 2013 sẽ hết thời hạn giao đất nông nghiệp 20 năm, vấn đề này sẽ xử lý như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang: Theo luật định, sang năm sau, 2013 là tròn 20 năm giao đất nên bà con rất quan tâm sẽ xử lý như thế nào. Có tiếp tục cho sử dụng hay chia lại ruộng đất? Vừa qua, Bộ   TN-MT đã bàn việc này, báo cáo Chính phủ và sẽ trình lên Quốc hội. Trong khi chưa sửa Luật Đất đai năm 2003, chúng ta vẫn áp dụng luật hiện hành. Theo đó, đối với hộ gia đình được giao đất từ năm 1993, thì tới đây vẫn được sử dụng đất đó. Việc sử dụng đất vẫn giữ ổn định, không xáo trộn. Tuy nhiên, có một số loại đất không thuộc đối tượng trên như đất bãi bồi ven sông, ven biển, thì sau khi hết thời hạn, nếu hộ gia đình có nhu cầu sử dụng tiếp, cần tiến hành các thủ tục để gia hạn. Cũng theo luật hiện hành, sẽ tiếp tục cấp “sổ đỏ” cho đất nông nghiệp. Còn thời hạn thì theo quy định của Luật Đất đai 2003, tức là 20 năm tính từ năm cấp quyền sử dụng đất. Như vậy, các ngân hàng yên tâm cho người nông dân thế chấp, vay vốn sản xuất, không gây đứt đoạn.

- Bộ trưởng nghĩ sao về việc cán bộ nhà đất lùng mua đất nông nghiệp của dân rồi hợp thức hóa “sổ đỏ”, bán lại với giá cao gấp hàng chục lần?

- Đây là việc làm trái pháp luật và đã có quy định xử lý. Các tỉnh, thành phố, đặc biệt là cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ liên quan đến lĩnh vực đất đai, cần có cơ chế, quy chế kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ. Hiện nay, dư luận cho rằng, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai còn phổ biến. Do đó, các cơ quan quản lý liên quan phải có trách nhiệm kiểm tra và giám sát chặt chẽ, để xử lý thích đáng các trường hợp vi phạm pháp luật.

- Đang có tình trạng phôi “sổ đỏ” là thật nhưng nội dung là giả. Bộ trưởng nghĩ sao khi số phôi thất thoát gây ra tình trạng trên?

- Chúng tôi xin nhận khuyết điểm trong vấn đề này. Có 2 trường hợp có thể xảy ra: hoặc phôi thật, có số series lọt ra ngoài liên quan tới việc quản lý của các sở, hoặc các phôi đó là giả. Hà Nội vừa qua có nơi làm mất 483 phôi “sổ đỏ” thật. Dư luận lo ngại người ta sẽ sử dụng số phôi này để thế chấp hoặc lừa đảo, có trường hợp nhà 5 tầng có 5 giấy khác nhau. Quy định về vấn đề này khá chặt chẽ, nhưng thực tế vẫn diễn ra các trường hợp như trên. Bộ đã có nhắc nhở, đồng thời thông báo về số phôi bị mất để người dân cảnh giác. Đề nghị bà con nếu mua nhà đất, có thể kiểm tra tại cơ quan đăng ký Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, các văn phòng công chứng có thể xác nhận sự thật giả của các “sổ đỏ” nếu liên lạc với các cơ quan đăng ký “sổ đỏ”.

- Vụ cưỡng chế đầm tôm của ông Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng - Hải Phòng) được cả nước quan tâm. Tới đây, có quyết định giao lại đất cho nhà ông Vươn hay không?

- Với trường hợp gia đình ông Vươn, tôi đã nghe ý kiến của huyện Tiên Lãng, của Sở TN-MT Hải Phòng. Theo quy định, Bộ TN-MT sẽ có ý kiến chính thức là cho thuê thời hạn thuê bao lâu, tiền thuê như thế nào, sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Hàng ngày trên các dòng sông, có rất nhiều tàu hút cát lậu hoạt động. Cách nào giải quyết vấn nạn này? 

- Tình trạng hút cát là tương đối phổ biến. Nếu không quản lý tốt, hậu quả rất lớn, như sạt lở bờ. Văn bản quy định đã tương đối đầy đủ, vấn đề là thực thi như thế nào. Thẩm quyền cách chức cán bộ thuộc về địa phương. Một con tàu khai thác cát lù lù trên sông thì sao lại nói không biết? Người dân có thể khiếu nại, tố cáo để cơ quan chức năng giải quyết.

- Người dân rất lo về tình hình ô nhiễm sông Hồng tại Lào Cai, nguyên nhân của hiện tượng này?

- Sông Hồng đầu nguồn từ nước ngoài vào, nên chịu tác động của hai phía. Một là từ bên kia sang, thứ hai là từ chính chúng ta. Mực nước sông Hồng trong mùa khô rất thấp, nên việc hòa loãng những chất gây ô nhiễm môi trường sẽ khó hơn. Để giải quyết, trước hết, chúng ta cần có trách nhiệm. TP Lào Cai cần xử lý trước. Hiện có rất nhiều họng nước đổ ra sông chưa xử lý. Thêm nữa, phải bàn với phía Trung Quốc, để có phối hợp xử lý.

Nhiều hộ ở chung cư chưa được chủ đầu tư cấp giấy chứng nhận (Ảnh minh họa)

 - Cấp “sổ đỏ” tại các dự án phát triển nhà rất chậm, nguyên nhân do đâu và Bộ TN-MT làm gì để khắc phục?
- Cục trưởng Cục Đăng ký thống kê (Tổng cục Quản lý đất đai) Trần Hùng Phi: Qua kiểm tra tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tình hình cấp “sổ đỏ” tại dự án nhà ở nhìn chung rất chậm. Có nhiều nguyên nhân, từ phía chủ đầu tư, cơ quan Nhà nước, từ người dân. Trong đó, nguyên nhân từ chủ đầu tư lớn nhất. Nhiều dự án vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng không đúng quy hoạch, chưa xây xong đã bán hết... Về phía cơ quan Nhà nước, việc quản lý giám sát trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư chưa chặt chẽ, để xảy ra nhiều sai phạm, không phát hiện và xử lý kịp thời, hoặc có kiểm tra, phát hiện nhưng xử lý chậm... Về lâu dài, các địa phương phải chấn chỉnh ngay các dự án nhà ở, xử lý sớm các dự án có sai phạm. Trước mắt, cần tập trung thanh tra, kiểm tra các dự án có vướng mắc, theo nguyên tắc nếu sai sót về phía chủ đầu tư thì sẽ xử lý theo quy định. Sai phạm nếu không từ phía người mua nhà thì phải tìm cách cấp “sổ đỏ” cho họ.