Bộ trưởng GD&ĐT nói về vụ bảo mẫu bạo hành trẻ ở Đà Nẵng: Cho ra khỏi ngành ngay, không xem xét nữa

ANTD.VN - Nói về vụ bảo mẫu vừa cho ăn vừa bạo hành trẻ em xảy ra tại nhóm trẻ độc lập tư thục Mẹ Mười ở Đà Nẵng tại Quốc hội sáng nay, 22-5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: “Bản thân tôi khi xem hình ảnh cũng rất bức xúc”…

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Quốc hội

Cho ra khỏi ngành ngay, không xem xét nữa

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu về xã hội hóa các cơ sở mầm non tư thục trong cả nước, hiện khoảng 40% là cơ sở tư thục.

Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực thì cũng có hạn chế là điều kiện mở nhóm trẻ tư thục chưa chặt, trong đó có giáo viên, chất lượng chưa được tuyển chọn kỹ càng, dẫn tới có những vụ việc mà giáo viên, bảo mẫu có các hành động rất đáng phê phán như vụ việc tại nhóm trẻ độc lập tư thục Mẹ Mười vừa qua.

“Hành động này, thậm chí nói ở đây là trên cả khung sư phạm, vô nhân tính. Bản thân tôi nhìn vào hình ảnh ấy cũng rất bức xúc. Bộ đã chỉ đạo ngay những thầy cô này phải cho ra khỏi ngành không có xem xét” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Người đứng đầu ngành GD&ĐT cũng chia sẻ, việc thành lập các trường mầm non, nhóm tư thục ở nhiều nơi thậm chí do cấp xã phường cấp phép, nên để hạn chế xảy ra sai phạm thì khâu thanh, kiểm tra phải rất sát sao, đặc biệt là chất lượng của các cô giáo.

“Đã là cô giáo thì phải đúng nghĩa là cô giáo. Trong đạo đức giáo viên mầm non, bộ đã có quy chuẩn, quy định rõ ràng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra kiểm định phải tăng cường thêm. Đặc biệt cần đôn đốc địa phương vì đã phân cấp. Ngoài ra cần kiểm tra sát sao, gần như khoán thì sẽ dẫn đến tình trạng đó” – ông Nhạ chia sẻ.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong vụ bảo mẫu bạo hành trẻ em ở nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười tại Đà Nẵng, trách nhiệm để xảy ra vụ việc thuộc về địa phương, cụ thể là phường.

“Chính cơ quan này cấp phép về điều kiện, tiêu chuẩn và giám sát điều kiện giáo viên không chuẩn. Cấp quản lý tiếp theo, khi xảy ra đã chỉ đạo ngay. Đà Nẵng đã có trách nhiệm, Chủ tịch Thành phố đã nói về vấn đề này. Còn việc ảnh hưởng tinh thần của cháu bé bị bạo hành ra sao thì phải giám định” – Bộ trưởng GD&ĐT nói.

Hình ảnh bảo mẫu bạo hành trẻ xảy ra tại nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười ở Đà Nẵng

gây bức xúc dư luận

“Ra đường, nếu không quen biết không nên âu yếm trẻ em”

Cũng nhắc đến vụ bảo mẫu bạo hành trẻ em vừa xảy ra tại Đà Nẵng tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga bày tỏ lo ngại khi cho rằng, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cở sở mầm non tư thục gần như tháng nào cũng có…

Theo bà Nga, tình trạng này càng phổ biến hơn ở các cơ sở trông giữ con cho công nhân tại các khu công nghiệp. “Bộ LĐ-TB&XH phải vào cuộc chấm dứt cho được tình trạng này. Tại sao tình trạng này diễn ra một thời gian dài mà sao không chấm dứt được?” – bà Nga nói.

Ngay sau đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, vừa qua có vụ nghi bắt cóc trẻ em nên đã xảy ra đánh người, có nơi còn kéo theo 500 người đến đánh.

“Vậy câu chuyện đánh người là như thế nào?, tự ý bắt người, tự ý hành hung là do bột phát hay do cách hành xử chưa tốt?” – Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi?

Lý giải, bà Lê Thị Nga cho rằng, sau các vụ bắt cóc trẻ em xảy ra trong thời gian qua thì hiện người dân, gia đình nào cũng khá cảnh giác.

“Cho nên, mọi người cần làm quen với việc đi ra ngoài đường không âu yếm trẻ em, nếu không gia đình sẽ có phản ứng thái quá, nghi bắt cóc trẻ em. Đúng là việc hành hung là sai pháp luật nhưng cần giáo dục cho người dân hiểu thói quen văn hóa ứng xử, không quen biết thì không nên âu yếm trẻ em” – bà Nga nói.

Dù vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu như vậy thì khi thấy trẻ em bị lạc, mọi người lại né tránh, không ai dám giúp đỡ. Hay như nhiều trường hợp thấy người bị tại nạn giao thông mà không giúp đỡ là vô cảm.

Lý giải thêm câu hỏi này, bà Nga cho rằng, theo luật khi gặp người bị tai nạn giao thông phải dừng lại cấp cứu. Nhưng vừa qua có những vụ việc người giúp đỡ lại bị “oan gia” nên pháp luật cần phải phân định rõ ràng.

Trước đó, sáng 21-5, trên mạng xã hội lan truyền một số hình ảnh và clip, ghi lại cảnh các bảo mẫu có hành vi thô bạo với trẻ em tại một nhóm trẻ mầm non tư thục ở Đà Nẵng.

Trong đó, một bảo mẫu cho một bé trai khoảng 3 tuổi ăn cháo trong tình trạng cởi trần, nằm ngửa dưới sàn nhà. Khi em này có dấu hiệu từ chối ăn, bảo mẫu đã phủ áo lên mặt em và đánh liên tục vào mặt, kèm theo đó là những lời lẽ quát nạt.

Bên cạnh đó, một số hình ảnh ghi lại cho thấy các bảo mẫu này đang túm đầu các em nhỏ, đè ngửa các em xuống sàn nhà, gác chân lên người các em và liên tục đẩy muỗng cháo vào miệng các em một cách thô bạo.