Bỏ thu phí nhưng sẽ áp giá dịch vụ thủy lợi

ANTD.VN - Khi áp giá dịch vụ, đơn vị cung cấp dịch vụ có đảm bảo cung cấp đủ nước trong bất kỳ tình huống nào, kể cả hạn hán không hay tất cả là nhờ trời? Đây là băn khoăn được đại biểu nêu ra khi thảo luận về dự án Luật Thủy lợi trong phiên khai mạc phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12-9.

Bỏ thu phí nhưng sẽ áp giá dịch vụ thủy lợi ảnh 1

Đơn vị cung cấp dịch vụ phải tính đến cả trường hợp thiên tai, hạn hán

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu tập trung thảo luận là chuyển đổi cơ chế từ thu thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi. Các đại biểu cho rằng, cần đánh giá tác động của việc thay nói trên, tính khả thi cũng như đưa ra lộ trình cụ thể đến khi nào thì giá dịch vụ tính đúng tính đủ hay tính đúng tính đủ ngay từ đầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị làm rõ việc chuyển từ thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi sẽ có tác động như thế nào đối với lĩnh vực nông nghiệp nói chung và đời sống bà con nông dân nói riêng? Nếu quy định này được chấp thuận thì lời giải cho bài toán cân đối giá dịch vụ sẽ như thế nào?

Nêu quan điểm về việc chuyển sang cơ chế giá, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết: “Đưa ra vấn đề giá dịch vụ thủy lợi sẽ là cuộc cách mạng ở nông thôn. Nhưng hiện nay tổng chi phí cho nông nghiệp của nông dân rất cao. Khi đặt vấn đề này cần phải nhìn nhận lợi ích của người dân chứ không chỉ là tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước”.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt vấn đề, nếu đã tính đến giá dịch vụ thủy lợi thì người dân có quyền chọn trồng cây gì hay không vì điều này liên quan đến việc mua nước, sử dụng nước. Với hạ tầng mà người dân bỏ tiền ra làm phục vụ công tác thủy lợi, nay lại phải trả giá dịch vụ thủy lợi thì có hoàn lại chi phí này không?

“Trách nhiệm của cơ quan làm dịch vụ khi có hạn hán, lũ lụt thì thế nào? Bây giờ anh làm dịch vụ thì phải tính đến chứ không chỉ cứ nhờ trời”, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, cần đánh giá kỹ tác động kỹ. Nếu thực hiện thì trên 80% hộ nông dân, nhất là nông dân tại khu vực miền núi đặc biệt khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo sẽ không được hưởng lợi.

“Dự thảo luật cũng nhằm khuyến khích xã hội hóa thực hiện các công trình thủy lợi, nhưng cũng nên bổ sung cơ chế chính sách về đất đai, để họ cung cấp dịch vụ thấp hơn thực tế”, ông Tuấn nói.

Thay đổi cơ chế từ thu phí sang áp dụng giá dịch vụ cũng khiến Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hoàng Văn Thắng suy nghĩ: “Nếu người dân phải trả tiền nước trong hoạt động nông nghiệp theo cơ chế giá thì chúng tôi cũng rất băn khoăn. Tuy nhiên, thời gian qua, khi vận động nhân dân làm nông thôn mới người dân đã hiến rất nhiều đất khi xây dựng nông thôn mới. Nên nếu thực hiện cơ chế này thì chính sách của nhà nước phải đi rất sát”.

Ngoài ra, các đại biểu cũng nêu ý kiến thảo luận xung quanh tính đồng bộ, khả thi của luật này với các luật hiện hành.