Bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành đầy đủ cho cơ quan bảo hiểm xã hội có tạo ra sự chồng chéo?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiệu quả của việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng của cơ quan bảo hiểm xã hội thời gian qua chưa cao. Trước khi đề cập đến việc bổ sung thêm chức năng mới, cơ quan bảo hiểm xã hội cần đầu tư, tập trung làm tốt các chức năng đang được giao.
Hiệu quả của việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng của cơ quan bảo hiểm xã hội chưa cao

Hiệu quả của việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng của cơ quan bảo hiểm xã hội chưa cao

Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ trả lời về các kiến nghị, đề xuất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có đề xuất, sửa đổi Luật Thanh tra, giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thành lập cơ quan thanh tra để thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực quản lý; cùng với đó, sửa đổi đồng bộ Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, Luật ATVSLĐ, giao cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đầy đủ trong các lĩnh vực quản lý.

Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, thanh tra và xử lý vi phạm là hoạt động bảo đảm thực thi pháp luật của cơ quan công quyền, phải do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện. Cơ quan bảo hiểm xã hội không phải là cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội mà chỉ là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Việc Luật Bảo hiểm xã hội 2014 giao cho cơ quan này thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là giải pháp có tính chất tình thế, khắc phục những khó khăn, hạn chế về nguồn lực trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, nhất là khó khăn, hạn chế về số lượng thanh tra viên của thanh tra các bộ, ngành liên quan.

Lý giải thêm về sự chưa phù hợp của đề xuất, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, hiệu quả của việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng của cơ quan bảo hiểm xã hội thời gian qua chưa cao.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, giai đoạn 2016-2020, toàn ngành chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 75.785 đơn vị, trong đó thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại 35.060 đơn vị (bình quân trên 7.000 đơn vị/năm) với chi phí cho công tác thanh tra, kiểm tra phát sinh trên 468 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, số nợ bảo hiểm xã hội, chậm đóng bảo hiểm xã hội vẫn trên 10.000 tỷ đồng/năm. Vì vậy, trước khi đề cập đến việc bổ sung thêm chức năng mới, cơ quan bảo hiểm xã hội cần đầu tư, tập trung làm tốt các chức năng đang được giao.

Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, việc bổ sung chức năng thanh tra chi cho cơ quan bảo hiểm xã hội tạo ra sự mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014);

Xung đột với chức năng thanh tra chuyên ngành của nhiều Bộ, ngành, địa phương. Việc bổ sung tác động rộng lớn đến hàng trăm nghìn người sử dụng lao động, hàng triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hàng nghìn cơ sở khám chữa bệnh. Vì vậy, cần phải được đánh giá tác động toàn diện, khoa học nhằm đặt lợi ích của người dân lên trên hết, trước hết.