Bỏ sổ hộ khẩu không ảnh hưởng đến công tác quản lý của Nhà nước

ANTD.VN - Quy định về số định danh cá nhân là bước đột phá quan trọng về cải cách thủ tục hành chính liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân, tiến tới khi thực hiện thủ tục hành chính, cá nhân chỉ cần cung cấp số định danh để cơ quan có thẩm quyền tra cứu thông tin cơ bản, giảm tối đa việc sao chụp giấy tờ liên quan đến cá nhân, giảm thủ tục và kinh phí khi thực hiện thủ tục hành chính.

Bỏ sổ hộ khẩu không ảnh hưởng đến công tác quản lý của Nhà nước ảnh 1Luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy

Bước ngoặt trong cải cách hành chính

Đó là nhận định của luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy về các quy định liên quan đến cải cách thủ tục hành chính đã và đang được thực hiện. Cũng theo luật sư Nguyễn Đào Tơ, thời gian qua, các thủ tục cần đến sổ hộ khẩu đã bị lạm dụng ở một số nơi, gây khó khăn cho người dân trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.

Trong khi đó, sổ hộ khẩu là giấy tờ xác nhận nơi cư trú của cá nhân, được cấp cho cả hộ gia đình. Nhưng khi một cá nhân của hộ gia đình thực hiện các quyền của cá nhân thì thủ tục hành chính lại bắt buộc xuất trình sổ hộ khẩu. Sổ hộ khẩu chi phối đến nhiều lĩnh vực của đời sống cá nhân như mua bán nhà, mua bán xe, đăng ký tạm trú… thậm chí cả cơ hội việc làm của cá nhân. Mặc dù, sổ hộ khẩu được cấp với mục đích là để quản lý dân cư, quản lý Nhà nước, song nó lại chi phối đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mỗi cá nhân nên đã bộc lộ nhiều bất cập. Việc ban hành Luật Căn cước công dân khắc phục được những hạn chế này.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến việc quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an. Theo đó, các thủ tục hành chính được cắt giảm mạnh trong nhiều lĩnh vực, hàng loạt các thủ tục hành chính đã bỏ, không cần xuất trình sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân… Việc xóa bỏ, xuất trình sổ hộ khẩu trong các thủ tục hành chính là một bước ngoặt lớn trong việc đổi mới cải cách hành chính, hội nhập quốc tế. Thay vào đó đưa công nghệ thông tin vào quản lý hành chính, cấp căn cước cho mỗi cá nhân, quản lý hệ thống thông tin xuyên suốt sẽ tạo ra những thuận lợi nhất định.

Theo quy định, mỗi công dân được cấp một căn cước công dân có một số định danh cá nhân không trùng với người khác. Khi tham gia các giao dịch hành chính thì cá nhân chỉ cần xuất trình thẻ căn cước công dân thay thế các loại giấy tờ cá nhân tùy thân khác. Số định danh cá nhân thể hiện toàn bộ lý lịch, thông tin của một cá nhân, công dân. 

Bỏ sổ hộ khẩu không ảnh hưởng đến công tác quản lý của Nhà nước ảnh 2CATP Hà Nội tổng điều tra, kiểm tra nhân hộ khẩu trên toàn thành phố

Tạo thuận lợi cho cả cơ quan hành chính và công dân

Luật sư Nguyễn Đào Tơ cho rằng, việc ấn định số định danh cá nhân cho mỗi cá nhân và quản lý hệ thống dân cư theo số định danh cá nhân tạo ra những thuận lợi cho cả hệ thống cơ quan hành chính nhà nước và người dân khi tham gia các thủ tục hành chính.

Cụ thể là, hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước sẽ quản lý dân cư thông suốt của bộ máy hành chính cả 3 cấp và trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đồng thời rút gọn thủ tục hành chính cồng kềnh, được thực hiện một cách nhanh chóng, chính xác. Ngoài ra, cơ quan hành chính sẽ quản lý dân cư một cách chặt chẽ hơn trong trường hợp có thay đổi về lý lịch cá nhân, như thay đổi nơi cư trú, tạm trú nhằm tránh sai sót trong hệ thống các cơ quan hành chính khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Về phía người dân, họ sẽ rút ngắn thời gian, tiết kiệm kinh phí khi tham gia hoạt động hành chính; Không bị cơ quan hành chính sách nhiễu, gây khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính, như yêu cầu bắt buộc phải xuất trình bản gốc sổ hộ khẩu; Thuận lợi hơn trong quá trình tham gia các giao dịch hành chính, dân sự trên các địa điểm hành chính khác nhau, tránh trường hợp cơ quan hành chính Nhà nước gây khó khăn khi bị mất chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu.

Trường hợp cá nhân đi xin xác nhận sơ yếu lý lịch tại UBND phường, xã trước đây bắt buộc phải xuất trình sổ hộ khẩu bản gốc nhưng nay người dân chỉ cần xuất trình thẻ căn cước công dân. Hoặc trong trường hợp mua bán, chuyển nhượng bất động sản, đăng ký thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi ranh giới địa chính thay đổi thì các thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sổ hộ khẩu bắt buộc thay đổi theo, gây mất thời gian và tiền bạc. Do đó, việc ban hành cấp căn cước cho cá nhân và xóa bỏ việc xuất trình sổ hộ khẩu trong các giao dịch về bất động sản đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho các cá nhân có nhu cầu giao dịch, đồng thời cắt giảm được các thủ tục hành chính liên quan.

“Chúng ta đã có Luật Căn cước công dân và việc quản lý dân cư bằng căn cước công dân là một bước tiến. Mọi thông tin về một người dân được thể hiện thông qua thẻ căn cước công dân. Bỏ hộ khẩu nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính song không ảnh hưởng đến công tác quản lý của các cơ quan Nhà nước. Hơn nữa, trong khi Chính phủ quyết tâm đề ra lộ trình để cắt giảm biên chế, tinh giản bộ máy thì việc bỏ quy định về hộ khẩu sẽ góp phần không nhỏ trong việc hiện thực hóa quyết tâm này” - luật sư Nguyễn Đào Tơ nhận định.

Đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính 

Trả lời báo chí bên lề Quốc hội, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, bỏ sổ hộ khẩu là đơn giản hóa về thủ tục hành chính chứ không phải bỏ hay buông lỏng quản lý dân cư. Bộ Công an sẽ sớm tổ chức họp báo để thông tin đầy đủ về vấn đề này, còn những thông tin cơ bản nhất thì trong Nghị quyết của Chính phủ đã thể hiện. “Biện pháp quản lý cụ thể ra sao thì sẽ có biện pháp, cách quản lý. Tinh thần là về giấy tờ, thủ tục hành chính thì sẽ được đơn giản hóa tối đa nhưng không phải bỏ giấy tờ nghĩa là bỏ quản lý. Nguyên tắc cơ bản nhất là thế, còn hình thức thì rất nhiều”, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh.