Bộ Nội vụ thông tin về việc “xóa” Tổng cục Đường bộ, sắp xếp thành 2 cục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại diện Bộ Nội vụ cho biết,  đối chiếu với quy định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có một tiêu chí chưa đáp ứng đầy đủ liên quan việc được giao ngành lĩnh vực tập trung, không phân cấp cho địa phương.

Sáng nay, 20/6, trao đổi với báo chí liên quan đến Đề án tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) Vũ Hải Nam cho biết, đối chiếu với quy định của Chính phủ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT có một tiêu chí chưa đáp ứng đầy đủ.

Các Bộ, ngành đã bám sát quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo trong vấn đề sắp xếp theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian. Tổng cục nào sau đánh giá cho thấy cần tổ chức lại để giảm cấp trung gian thì các Bộ ngành đều đã xây dựng phương án, sau đó, Bộ Nội vụ có ý kiến và tổng hợp để báo cáo Ban Chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Hiện nay, Bộ GTVT vẫn đang trong quá trình xây dựng phương án, chưa có ý kiến chính thức gửi Bộ Nội vụ để báo cáo Ban chỉ đạo.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) Vũ Hải Nam trao đổi về dự thảo Đề án tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT)

Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) Vũ Hải Nam trao đổi về dự thảo Đề án tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT)

“Có 3 tiêu chí thành lập Tổng cục được quy định rất rõ trong Nghị định 101/2020 của Chính phủ. Đối chiếu đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có một tiêu chí chưa đáp ứng đầy đủ liên quan việc được giao ngành lĩnh vực tập trung, không phân cấp cho địa phương. Đường quốc lộ, đường cao tốc là huyết mạch giao thông, có sự quan tâm quản lý tập trung tương đối đồng bộ và thống nhất trên cả nước, nhưng bên cạnh đó còn có hệ thống tỉnh lộ và huyện lộ đang được Chính phủ tính tới đẩy mạnh phân cấp cho địa phương tham gia quản lý, bảo trì, GPMB, đầu tư…

Khi tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam, có ý kiến băn khoăn liệu có chồng chéo hay không? Xét về mặt đối tượng, dưới góc độ nghiên cứu của chúng tôi thì không có sự chồng chéo. Trong đường bộ có đường cao tốc, nhưng đường cao tốc đang được xác định là tuyến đường huyết mạch, kết nối các trục tăng trưởng, tạo ra động lực tăng trưởng mới nên cần có phương thức quản lý tập trung thống nhất” – ông Nam lý giải.

Cũng theo ông Nam, phương thức quản lý đường cao tốc hiện nay khác đường bộ. Đường cao tốc được xây dựng mới, thu hút nguồn lực nên cần có quản lý riêng, tập trung hơn. Vì vậy phải xem phương án như thế nào cho thống nhất, hợp lý. Giả sử Tổng cục Đường bộ Việt Nam được tách thành 2 Cục thì sẽ phải phân công rõ đầu mối, đảm bảo chính sách được thực hiện thống nhất, hợp lý nhất trong quản lý, vừa tinh gọn vừa hiệu quả.

Trước đó, trao đổi với báo chí liên quan đến Đề án sắp xếp lại bộ máy Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng cho biết, dù ký đề án tổ chức lại Tổng cục Đường bộ nhưng bản thân ông không đồng ý tách tổng cục thành Cục đường bộ Việt Nam và Cục đường bộ cao tốc Việt Nam.

Theo ông Huyện, Tổng cục Đường bộ đã hình thành, hoạt động được 12 năm, làm được nhiều việc và hiện đang quản lý rất tốt ngành đường bộ. Tuy nhiên, về mô hình Tổng cục Đường bộ có các cục, chi cục ở khu vực; mô hình này khác với Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế có các vệ tinh ở cấp huyện.

Ông Huyện cũng cho rằng, nếu tách Tổng cục Đường bộ thành Cục đường bộ và Cục đường bộ cao tốc sẽ có bất cập vì 2 cơ quan này đều quản lý đường bộ, trong khi đường cao tốc là một cấp kỹ thuật theo tiêu chuẩn đường bộ. Đường cao tốc không phải là một cấp quản lý.