Bộ luật Hình sự sửa đổi: Đổi mới tư duy về hình phạt và tội phạm

ANTĐ - Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự 1999 được tổ chức ngày 15-3, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Bộ luật Hình sự sửa đổi phải được xây dựng, hoàn thiện trên tinh thần của Hiến pháp mới. 

Đề cao tính hướng thiện trong xử lý người phạm tội

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bộ luật Hình sự sửa đổi đặc biệt phải bảo vệ có hiệu quả các quyền con người, quyền cơ bản công dân, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, cần có cơ chế khuyến khích, động viên nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tự bảo vệ mình và bảo vệ quyền lợi của người khác. 

Phó Thủ tướng chỉ rõ, Bộ luật Hình sự là một trong những đạo luật lớn, rất quan trọng của Nhà nước ta. Sửa đổi, bổ sung Bộ luật này là việc hệ trọng. Theo chương trình xây dựng Luật, Bộ luật này sẽ được Chính phủ trình Quốc hội trong năm 2015. Do đó, thời gian còn lại để xây dựng, hoàn thiện dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) không còn nhiều. Trên cơ sở nhìn nhận những kết quả tích cực sau 14 năm thi hành Bộ luật cũng như những hạn chế, bất cập phát sinh, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp và các bộ, ngành địa phương tập trung nghiên cứu để đưa ra các đề xuất, các giải pháp sửa đổi nhằm xây dựng một Bộ luật mới khắc phục ở mức cao nhất các hạn chế, tồn tại đã gây khó khăn cho quá trình thực thi và ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của đất nước ta trong thời gian qua. Bộ luật Hình sự mới phải tiếp tục thể chế hóa những quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị.

Bảo đảm sự hài hòa trong phát triển 

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, Bộ luật Hình sự phải tạo ra hành lang pháp lý để bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường vận hành theo đúng các quy luật và đúng định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; xây dựng các quy định bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Bộ luật phải được xây dựng trên cơ sở đổi mới tư duy về quy định tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, có thể xem xét khả năng quy định tội phạm và hình phạt không chỉ trong Bộ luật Hình sự mà cả trong các Luật chuyên ngành khác nhằm tạo sự linh hoạt, kịp thời trong đấu tranh với các loại tội phạm mới phát sinh, đồng thời bảo đảm tính ổn định lâu dài, giảm áp lực đối với việc sửa đổi thường xuyên. 

Không để gây bất bình trong xã hội

Theo Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao và một số địa phương qua thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự cho thấy, đã nảy sinh ba loại bất cập nổi lên trong quá trình thi hành. Đó là những hạn chế từ công tác tổ chức thực hiện, trong chính các quy định của Bộ luật và hạn chế xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và yêu cầu hội nhập quốc tế. Bộ luật quy định nhiều tình tiết mang tính “định tính”. Điều này không những làm cho công tác áp dụng pháp luật trong thực tiễn gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác hướng dẫn của các cơ quan liên ngành Trung ương. Một số bất cập của Bộ luật đã phần nào làm cho việc áp dụng khó khăn, dẫn đến phát sinh tiêu cực, thiếu công bằng. Nhiều trường hợp bị cáo đã thương lượng bồi thường vật chất và người bị hại không yêu cầu hoặc rút yêu cầu khởi tố. 

Ngược lại, đối với bị cáo không có điều kiện kinh tế để thương lượng bồi thường thì bị khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Đây là một bất hợp lý, nhưng lại diễn ra phổ biến, gây bất bình trong xã hội suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, quy định về khung hình phạt của một số điều luật trong Bộ luật chưa thực sự hợp lý, dẫn tới việc áp dụng hình phạt chưa đảm bảo tính chính xác, khách quan. Mức hình phạt đối với một số tội phạm chưa phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Mức hình phạt đối với một số tội phạm còn thấp và chưa đủ tác dụng răn đe, giáo dục, trong khi một số tội phạm lại có mức hình phạt quá nghiêm khắc, không còn phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới…