Bộ LĐ-TB&XH nói về đề xuất chuyển hệ cao đẳng về Bộ GD-ĐT

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, đề xuất đưa trình độ cao đẳng trở lại bậc giáo dục đại học, đưa quản lý nhà nước về đào tạo cao đẳng về Bộ GD-ĐT còn thiếu những cơ sở khoa học và thực tiễn, chưa đúng với chủ trương, định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp.
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng đề xuất chuyển vai trò quản lý nhà nước hệ đào tạo cao đẳng còn thiếu cơ sở khoa học

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng đề xuất chuyển vai trò quản lý nhà nước hệ đào tạo cao đẳng còn thiếu cơ sở khoa học

Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn gửi Bộ Nội vụ liên quan đến việc chuyển vai trò quản lý nhà nước hệ đào tạo cao đẳng.

Trước đó, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gửi đến các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề xuất chuyển vai trò quản lý nhà nước hệ đào tạo cao đẳng từ Bộ LĐ-TB&XH về Bộ GD-ĐT.

Trong văn bản trả lời của mình, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra những căn cứ pháp lý, căn cứ khoa học và xu hướng quốc tế khẳng định rằng giữ ổn định hệ thống giáo dục đào tạo hiện nay theo các quy định của hệ thống pháp luật về giáo dục, đào tạo hiện hành rất quan trọng để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.

Đề cập đến thực trạng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã được hình thành và phát triển qua hơn 60 năm trong đó có 40 năm thuộc Bộ LĐ-TB&XH; 09 năm trực thuộc Chính phủ; 11 năm thuộc Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp.

Giai đoạn trực thuộc Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, đặc biệt, trước khi chuyển lại Bộ LĐ-TB&XH, lĩnh vực dạy nghề phát triển rất hạn chế, bộ máy quản lý ở trung ương chỉ là một bộ phận trong Vụ Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Từ khi tái lập Tổng cục Dạy nghề (5/1998 đến nay), hệ thống dạy nghề/ giáo dục nghề nghiệp từng bước được củng cố và đang phát triển vượt bậc.

Hiện nay, hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ổn định, chuyên nghiệp, được tổ chức đồng bộ từ Trung ương tới địa phương với thẩm quyên và nội dung quản lý nhà nước được quy định rõ ràng đối với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cấp tỉnh, cấp huyện và câp xã.

Việc Bộ LĐ-TB&XH quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sẽ phát huy những lợi thế của ngành LĐ-TB&XH; gắn giáo dục nghề nghiệp với lao động, việc làm, thị trường lao động, an sinh xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp.

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, đề xuất đưa trình độ cao đẳng trở lại bậc giáo dục đại học, đưa quản lý nhà nước về đào tạo cao đẳng về Bộ GD-ĐT tuy là những ý kiến mong muốn hoàn thiện thêm hệ thống giáo dục đào tạo nhưng những kiến nghị này còn thiếu những cơ sở khoa học và thực tiễn, chưa đúng với chủ trương, định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp của Đảng, Nhà nước.

Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục, Bộ luật Lao động mới được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, cần có thời gian triển khai trong thực tiễn để tổng kết, đánh giá, nếu bất cập thì điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện.

Cơ quan này sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về giáo dục, đào tạo; thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới toàn diện, giáo dục đào tạo nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập.