Bộ LĐ-TB&XH nói gì về kiến nghị dừng dạy chương trình THPT trong trường nghề?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH vừa có báo cáo về một số nội dung liên quan đến việc giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn 1528/BGDĐT-GDTX về việc giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Sau khi nghiên cứu công văn này, Bộ LĐ-TB&XH đã có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Cụ thể, liên quan đến việc cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tại công văn 1528/BGDĐT-GDTX, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến chỉ cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh từ năm học 2021-2022 trở về trước, hiện đang tổ chức giảng dạy Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT tiếp tục tổ chức dạy Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Về việc này, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ tại thông báo số 76/TB-VPCP. Thông báo số 76/TB-VPCP chỉ đạo "Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã và đang tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT thì được tiếp tục thực hiện".

Vì vậy, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện như chỉ đạo tại Thông báo số 76/TB-VPCP, chứ không chỉ giới hạn ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh từ năm học 2021-2022 trở về trước.

Về thời gian đào tạo trình độ trung cấp đối với người có bằng tốt nghiệp THCS vừa học nghề vừa học chương trình giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng chỉ trong thời gian từ 1 đến 2 năm không thể vừa hoàn thành chương trình đào tạo trung cấp vừa hoàn thành Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, vì học nghề chỉ có 2 năm, trong khi học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT là 3 năm.

Liên quan đến nội dung này, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, theo quy định tại Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp, việc học nghề trình độ trung cấp đối với người có bằng tốt nghiệp THCS hoàn toàn độc lập với việc học chương trình văn hoá THPT.

Người học có bằng tốt nghiệp THCS không bắt buộc phải học chương trình văn hoá THPT vẫn có thể tốt nghiệp trình độ trung cấp, tham gia vào thị trường lao động, tuy nhiên sẽ không được liên thông lên trình độ cao hơn.

Do vậy, việc học văn hoá THPT là chương trình độc lập, song song với việc học nghề (có thể là khối lượng kiến thức văn hoá THPT hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT) để giúp người học có đủ điều kiện liên thông lên trình độ cao hơn hoặc tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT để lấy bằng tốt nghiệp THPT.

Vì là chương trình độc lập nên người học khi học xong trình độ trung cấp (2 năm), họ vẫn theo học thêm 1 năm nữa, chỉ học văn hoá THPT cho đủ nội dung, thời gian quy định của chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trong thực tế, nhiều năm nay, ngành giáo dục đã giao việc giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện hoặc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp kết hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên để thực hiện.

Liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, theo quy định tại khoản 3 Điều 45, Luật Giáo dục 2019 "học việc học hết chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT không dự thi tốt nghiệp THPT hoặc thi không đạt yêu cầu thì được người đứng đầu trung tâm giáo dục thường xuyên cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông" nghĩa là chỉ có trung tâm Giáo dục thường xuyên mới có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.

Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, thực tế 100% học sinh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi theo học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT đều mong muốn dự thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT. Số học sinh bị trượt tốt nghiệp THPT hàng năm trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ khoảng 5-10%, nhưng đều có nguyện vọng thi tiếp ở năm sau, chứ không có nguyện vọng lấy giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.