Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hai phương án nghỉ Tết Nguyên đán

ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó đề xuất giảm số ngày nghỉ Tết Nguyên đán bằng cách không nghỉ bù vào dịp này.

 

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất rút ngắn ngày nghỉ Tết Nguyên đán bằng cách không nghỉ bù

Tại tờ trình Chính phủ về dự thảo sửa đổi Luật Lao động năm 2012, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, việc quy định nghỉ Tết trong Bộ luật Lao động 2012 đã được thực hiện từ ngày 1/5/2013 và đã được đa số nhân dân ủng hộ.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, có ý kiến cho rằng kỳ nghỉ Tết Âm lịch của Việt Nam còn dài so với một số quốc gia trong khu vực, có thể làm ảnh hưởng gián đoạn kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gia công sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu hiệu quả thực hiện công việc không cao sau khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết dài.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 1-2019, Chính phủ giao “Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, đề xuất cách thức nghỉ tết Nguyên đán mới, bảo đảm vui tươi, đầm ấm, thiết thực và hiệu quả”, Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án về thời gian nghỉ Tết âm lịch trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi để lấy ý kiến:

Phương án 1 (giữ nguyên hiện hành): Người lao động được nghỉ 5 ngày Tết âm lịch. Nếu ngày nghỉ Tết âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

Phương án 2: Người lao động được nghỉ 5 ngày Tết âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù.

Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong quá trình thảo luận và tham vấn ý kiến chuyên gia, đa số ý kiến thể hiện sự đồng thuận với phương án 1, giữ nguyên theo luật hiện hành.

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đang được lấy ý kiến đến hết ngày 28-6-2019.