Bỏ biên chế "suốt đời", viên chức có phải tham gia thi tuyển?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Khi bỏ hình thức “biên chế suốt đời”, người lao động có cần phải tham gia các kỳ thi tuyển để được vào làm việc tại các cơ quan nhà nước hay không, hợp đồng ký kết sẽ có thời hạn bao lâu, hệ số lương sẽ được áp dụng ra sao là những vấn đề người lao động quan tâm.

Các chuyên gia tham gia chương trình giao lưu trực tuyến

Các chuyên gia tham gia chương trình giao lưu trực tuyến

Sáng 28/10, báo Lao động Thủ đô phối hợp cùng Liên đoàn lao động thị xã Sơn Tây tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Những chính sách mới liên quan đến công chức, viên chức, người lao động”.

Phát biểu tại buổi Giao lưu trực tuyến, bà Lê Thị Bích Ngọc, Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết: Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức (sửa đổi, bổ sung)” có hiệu lực từ 1/7/2020, đến nay đã qua 3 tháng triển khai. Bộ Luật lao động năm 2019 chỉ còn hơn 2 tháng nữa là có hiệu lực, kể từ ngày 1/1/2021 tới đây.

Việc hiểu rõ luật, chính sách, những quy định cần tuân thủ để thực hiện cho đúng nhằm đảm bảo quyền lợi cho chính người lao động và giúp giúp người lao động thực hiện tốt nghĩa vụ với đơn vị, với Nhà nước.

Một trong những nội dung người lao động quan tâm là từ tháng 7/2020 không còn chế độ biên chế suốt đời nữa. Vậy thì những người được vào hợp đồng viên chức thì sẽ kí hợp đồng như thê nào, với thời hạn bao lâu?

Về vấn đề này, bà Vũ Minh Huyền, Phó trưởng Phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội cho hay, theo Luật Viên chức (sửa đổi, bổ sung) có 3 trường hợp viên chức sẽ được tiếp tục áp dụng loại hợp đồng không xác định thời hạn là: viên chức được tuyển dụng trước 1/7/2020 (đã có hợp đồng không xác định thời hạn); cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức; viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đối với trường hợp viên chức được tuyển dụng trước 1/7/2020 nhưng chưa ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, luật quy định phải tiếp tục thực hiện hợp đồng. Sau khi hết thời hạn hợp đồng thì được ký hợp đồng không xác định thời hạn nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật. Chính phủ sẽ có quy định chi tiết để hướng dẫn thực hiện các quy định nêu trên.

Để đảm bảo quyền lợi cho viên chức khi ký hợp đồng có thời hạn, luật mới sửa đổi cũng bổ sung quy định chặt chẽ về ký kết tiếp và chấm dứt hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức.

Theo đó, trước khi hết hạn hợp đồng làm việc 60 ngày, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện ký kết tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức.

Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập còn nhu cầu, viên chức đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải ký kết tiếp hợp đồng làm việc với viên chức. Trường hợp không ký kết tiếp hợp đồng làm việc với viên chức thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

Bên cạnh những nội dung liên quan đến Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức sửa đổi, bổ sung, các chuyên gia còn giải đáp nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề bảo hiểm xã hội, chính sách tuổi hưu, chính sách tiền lương của người lao động.