Bịt các ngả dẫn tới "thiên đường thuế"

ANTĐ - Đức cùng nhiều quốc gia và tổ chức khác đang lên những kế hoạch cho cuộc chiến nhằm bịt các ngả đường tới các “thiên đường  thuế” trên thế giới sau vụ rò rỉ tài liệu mật “Hồ sơ Panama” chấn động.

Bịt các ngả dẫn tới "thiên đường thuế" ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble muốn bắt tay hợp tác với cộng đồng quốc tế để chống trốn thuế

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble cho biết, nước này đang lên một kế hoạch hành động 10 điểm nhằm ngăn chặn các hành vi trốn thuế, rửa tiền sau vụ “Hồ sơ Panama” bị tiết lộ gây chấn động thế giới vừa qua. Ông Schauble tin tưởng, kế hoạch  này giúp ngăn chặn việc che giấu tài sản và tiền của tại các “thiên đường  thuế”.

Đức là một trong những quốc gia đầu tiên trên toàn cầu có hành động cụ thể nhằm chống lại những hành vi trốn thuế ngay sau khi vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” cho cả thế giới thêm một lần nữa thấy rõ hơn phần chìm ghê gớm của  nạn rửa tiền, trốn thuế nhức nhối lâu nay. Theo “hồ sơ trốn thuế” đình đám đã được giải mật cho tới nay, khoảng 200 nhân vật tên tuổi từ giới chính trị gia, ngôi sao nổi tiếng tới trùm mafia cùng hàng trăm nghìn công dân khắp thế giới bị cáo buộc là khách hàng của Công ty Mossack Fonseca có trụ sở ở Panama. 

“Hồ sơ Panama” cũng cho thấy ngay tại những nước vốn có luật pháp tưởng là khó khăn cho hoạt động rửa tiền, trốn thuế như Mỹ vẫn xảy ra không ít trường hợp trốn thuế. Theo tiết lộ, tại nước Mỹ đã có 1.026 công ty ma được thành lập nhằm giúp các khách hàng trốn thuế hoặc rửa tiền trong hơn 15 năm qua. Tại các bang Delaware, Nevada, South Dakota và Wyoming, các công ty này thậm chí còn cạnh tranh quyết liệt với nhau để cung cấp cho khách hàng nước ngoài sự bí mật, kín đáo theo yêu cầu.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, hiện khoảng 1/2 thương mại toàn cầu thông qua các “thiên đường thuế”, 1/3 của cải thế giới trú ngụ tại đây. Nếu muốn trốn thuế, rửa tiền, che giấu hoạt động tài chính hay che giấu tài sản…, một cá nhân có thể dễ dàng đăng ký thành lập một công ty vỏ bọc tại một trong khoảng 100 “thiên đường trốn thuế” ở những quốc gia có hệ thống pháp luật lỏng lẻo trên thế giới.

“Hồ sơ Panama” vì thế thúc đẩy Chính phủ Đức lên kế hoạch chống trốn thuế được xem là một phần trong chính sách chống rửa tiền thứ tư của Liên minh châu Âu (EU). Với kế hoạch này, Bộ trưởng Schauble trông đợi tất cả các nước thành viên liên minh tiêu chuẩn hóa việc nhập dữ kiện; cùng nối mạng, chia sẻ danh sách của mình để giới chức ngành thuế có thể truy cập khi cần.

Bên cạnh đó, ông Schauble cũng đề xuất thực hiện một cơ chế trao đổi thông tin tự động để có thể tìm ra những người trốn thuế, đồng thời trừng phạt nặng các doanh nghiệp hay ngân hàng có hành vi trốn thuế, cũng như đưa tất cả vào một “danh sách đen” trốn thuế.

Kế hoạch của Đức nhằm bịt các con đường dẫn tới những “thiên đường trốn thuế” được sự hậu thuẫn của EU khi liên minh này lên tiếng kêu gọi các quốc gia thành viên cùng tham gia vào một nỗ lực chung khẩn cấp để lên danh sách các “thiên đường thuế” vốn được coi là công cụ quan trọng để nghiêm trị những vụ gian lận thuế.

Ủy viên phụ trách kinh tế của EU Pierre Moscovici hy vọng, bản “danh sách đen” này sẽ được công bố trong vòng 6 tháng tới, nối tiếp theo một danh sách gồm 30 quốc gia mà liên minh này đã công bố được cho là có khung pháp lý lỏng lẻo, có thể tạo điều kiện cho hoạt động trốn thuế, rửa tiền.