Biên lãi ròng thu hẹp, ngân hàng gia tăng tìm kiếm lợi nhuận ở mảng dịch vụ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lãi suất huy động đang nhích lên, thanh khoản bớt dồi dào đã khiến biên lãi ròng các ngân hàng có xu hướng thu hẹp. Nhiều ngân hàng đã gia tăng lợi nhuận ở mảng dịch vụ.

CASA có thể gặp áp lực giảm

Trong quý I, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước ghi nhận lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp do thực hiện hỗ trợ miễn giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế. Trong khi lãi suất cho vay nhóm ngân hàng tư nhân bắt đầu tăng nhờ nhu cầu tín dụng mạnh mẽ và tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ.

Theo các nhận định, do áp lực lãi huy động đang có xu hướng tăng, lãi suất cho vay cũng sẽ ghi nhận áp lực tăng tuy nhiên sẽ có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động và sẽ có sự phân hóa về mức tăng và thời điểm tăng giữa các ngành nghề. Theo đó, biên lãi thuần nhiều khả năng sẽ có điều chỉnh nhẹ trong thời gian tới.

Trạng thái dư thừa thanh khoản của các nhà băng cũng có xu hướng giảm xuống. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh và áp lực lạm phát khiến NHNN thắt chặt cung tiền ra thị trường khiến cho thanh khoản hệ thống bớt dồi dào.

Lãi suất huy động niêm yết bình quân đã bắt đầu tăng trở lại từ quý I và dự báo tiếp tục tăng tới cuối năm, tuy nhiên một số ngân hàng thu hút được lượng khách hàng dồi dào sẽ chịu ít áp lực hơn.

Theo các chuyên gia phân tích Chứng khoán VCBS, việc tăng mạnh lãi suất huy động đã bắt đầu tác động lên chi phí vốn của các ngân hàng, tuy nhiên, chi phí huy động sẽ vẫn duy trì thấp hơn mức trước dịch nhờ tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cao. Một số ngân hàng có khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ từ các tổ chức tín dụng quốc tế cũng sẽ có lợi thế trong việc duy trì chi phí vốn thấp.

Toàn hệ thống ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA cao ở mức 22,1% vào quý I khi các ngân hàng thương mại Nhà nước tham gia vào cuộc đua thu hút khách hàng cá nhân, tăng thị phần CASA thông qua miễn phí giao dịch và phát triển các sản phẩm số hóa.

Tuy nhiên, trong các quý tới, tỷ lệ CASA có thể gặp áp lực giảm do các thị trường đầu tư tài sản kém thuận lợi và dòng tiền nhàn rỗi rút ra tập trung đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Các ngân hàng ghi nhận lượng khách hàng thường xuyên tăng nhanh như TCB, MBB, MSB, TPB… sẽ có được nguồn vốn huy động dồi dào hơn và giảm được chi phí vốn trong dài hạn.

Lợi nhuận từ mảng tín dụng gặp áp lực, trong khi mảng dịch vụ có xu hướng tăng

Lợi nhuận từ mảng tín dụng gặp áp lực, trong khi mảng dịch vụ có xu hướng tăng

Với những áp lực trên, biên lãi thuần (NIM) của ngân hàng sẽ có xu hướng giảm sau khi đã đạt đỉnh năm 2021.

Tuy nhiên, một số nhóm ngân hàng vẫn có thể duy trì được mức NIM cao, bao gồm nhóm ngân hàng tư nhân có tập khách hàng cá nhân tăng nhanh tiếp tục nâng cao tỷ lệ CASA và cải thiện được chi phí vốn.

Cùng với đó là nhóm ngân hàng thương mại nhà nước có thể duy trì NIM như hiện tại hoặc tăng nhẹ khi NHNN dừng triển khai gói hỗ trợ lãi suất, đồng thời chi phí vốn giảm xuống nhờ tăng sức hút về CASA và thanh khoản có thể được hỗ trợ bởi nguồn tiền Kho bạc Nhà nước.

Gia tăng thu nhập ngoài lãi

Dù vậy, thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng lại gia tăng tỷ trọng, chiếm trung bình 27% trong cơ cấu thu nhập của các ngân hàng với đóng góp chủ yếu từ thu nhập dịch vụ.

Trong đó, thu nhập phí tăng trưởng mạnh ở nhóm ngân hàng tư nhân (tăng 37% so cùng kỳ) nhưng thu hẹp ở nhóm ngân hàng nhà nước (giảm 16,5%) do các ngân hàng này đã hy sinh thu nhập từ phí chuyển khoản để cải thiện CASA.

Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới tăng 7,1% so cùng kỳ và hoạt động bán chéo bảo hiểm sẽ được đẩy mạnh hơn trong các quý tới.

Thu nhập từ phí thanh toán qua ngân hàng số và phí từ thẻ khả quan khi số lượng và giá trị giao dịch trực tuyến tăng nhanh.

Tuy nhiên, thu nhập từ đầu tư chứng khoán và thu nhập liên quan đến hoạt động kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp dự kiến sẽ chịu nhiều ảnh hưởng không thuận lợi kể từ quý II.

Về nợ xấu, mặc dù nợ xấu năm nay có thể gia tăng khi Thông tư 14 hết hiệu lực vào cuối tháng 6/2022 song áp lực dự phòng được giảm thiểu khi các ngân hàng đã tăng cường bộ đệm dự phòng đối với các khoản nợ tái cơ cấu lên cao hơn mức quy định 30%.

Với tình hình này, VCBS duy trì dự báo tích cực đối với lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng trong năm 2022. Tuy nhiên, mức độ tích cực sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023, đặc biệt trong năm 2023 sẽ có sự phân hóa rõ rệt về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng.