Bị xem là 'miệt thị người nghèo', TikToker Nờ Ô Nô có thể bị xử lý ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mạng xã hội đang xôn xao trước việc TikToker Nờ Ô Nô có những lời lẽ bị cho là "miệt thị người nghèo" trong clip từ thiện mới được đăng tải. Theo các chuyên gia pháp lý, nếu có đủ căn cứ, cá nhân này có thể bị xử phạt.

Theo nhiều cá nhân, clip từ thiện mà Tiktoker Nờ Ô Nô đăng tải ghi lại hình ảnh làm từ thiện nhưng thể hiện thái độ coi thường, miệt thị người nghèo, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục…

Nhận định về sự việc trên, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, dù nghèo hay giàu, mọi cá nhân đều có đầy đủ các quyền công dân, được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm. Không ai có quyền xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác.

Với những người làm từ thiện nhưng lại có hành vi không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, miệt thị, coi thường người nghèo sẽ bị dư luận lên án, thậm chí bị xử lý theo quy định.

Theo Điều 8 Luật An ninh mạng 2018, hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác trên không gian mạng, đưa các thông tin trái phép trên không gian mạng là hành vi bị nghiêm cấm.

Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, người xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, đưa những thông tin không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội: Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông; Tội lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức cá nhân; Tội làm nhục người khác...

Hình ảnh trong clip làm từ thiện của Tiktoker Nờ Ô Nô

Hình ảnh trong clip làm từ thiện của Tiktoker Nờ Ô Nô

Đối chiếu các quy định hiện hành, trong vụ việc liên quan đến Tiktoker Nờ Ô Nô, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh, làm rõ. Nếu có đủ căn cứ chứng minh, cá nhân này có thể bị phạt tiền tới 20 triệu đồng theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự của cá nhân.

Cũng theo Luật sư Thu, gần đây có khá nhiều người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, vì muốn tăng tương tác đã quay, dựng các video rẻ tiền, nội dung nhảm nhí, giật gân… không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục.

Với những người này, thông tin họ đưa ra sẽ tác động tích cực hoặc tiêu cực đối với xã hội. Những thông tin cổ xuý cho những hành vi thiếu văn hóa, thiếu chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục có thể tác động tiêu cực đến giới trẻ.

Đây là hành vi đáng lên án, cần bị xử lý nghiêm. Bên cạnh việc tăng nặng chế tài xử lý để đảm bảo tính răn đe, với các tài khoản vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông cũng có thể khóa tài khoản hoặc theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, dư luận xã hội cũng nên tẩy chay các tài khoản mạng xã hội kiểu này.

“Mọi hành vi, hoạt động trên mạng xã hội đều được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật. Để nổi tiếng trên mạng xã hội không khó nhưng để giữ được sự nổi tiếng đó không hề đơn giản. Do đó, mỗi cá nhân cần sử dụng mạng xã hội một cách có hiểu biết, tránh việc tự đẩy mình vào vòng lao lý” - Luật sư Thu khuyến cáo.