Bỉ vừa trao trả gia đình cựu Thủ tướng Congo hiện vật đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ông Patrice Lumumba, Thủ tướng đầu tiên của Congo bị ám sát hơn 60 năm trước. Nhưng mãi cho đến giờ, Bỉ mới làm thủ tục trao trả một phần thuộc về hài cốt nhà cố lãnh đạo này cho Congo trong bối cảnh Brussels đang tìm cách đối đầu với quá khứ thuộc địa đen tối của mình.
Lễ trao trả chiếc răng của cựu Thủ tướng Congo Patrice Lumumba diễn ra ngày 20-6 tại Bỉ

Lễ trao trả chiếc răng của cựu Thủ tướng Congo Patrice Lumumba diễn ra ngày 20-6 tại Bỉ

Trở về sau hơn 60 năm

Ngày 20-6, Bỉ chính thức trao lại chiếc răng của ông Patrice Lumumba cho các thành viên trong gia đình ông ở Brussels. “Nỗi đau hơn 60 năm”, đó là cảm giác mà gia đình bà Juliana Lumumba, con gái của cựu Thủ tướng Congo Patrice Lumumba đã trải qua. Chính trị gia hiện 67 tuổi này đã chờ đợi nhiều thập kỷ để có thể đón nhận một phần hài cốt cha mình, dù chỉ là một chiếc răng và xương ngón tay. Tuy răng chỉ là một bộ phận cơ thể, nhưng nó cũng tượng trưng cho một thời kỳ đen tối trong lịch sử của cả Bỉ và thuộc địa cũ Congo, một thời kỳ mà Bỉ vẫn đang cố gắng tháo gỡ và chấp nhận.

Ông Patrice Lumumba trở thành Thủ tướng được bầu một cách dân chủ đầu tiên của Congo vào năm 1960. Nhưng nhiệm kỳ của ông kéo dài chưa đầy một năm khi vào tháng 12-1960, Thủ tướng Lumumba và Phó Chủ tịch Thượng viện Joseph Okito bị bắt. Thời gian ở tù, “anh hùng chống thực dân” Lumumba chủ trương hướng đến các giá trị dân chủ và cộng sản, khiến ông trở thành mối đe dọa đối với Bỉ và Mỹ. Nhà văn Bỉ Ludo De Witte, người viết cuốn sách “Vụ ám sát Lumumba”, nói với DW: “Họ sợ rằng ông ấy sẽ nhận được sự ủng hộ từ Liên Xô khi đó. Đó là thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh. Chính phủ Bỉ coi đó là mối đe dọa đối với lợi ích cơ bản của họ ở thuộc địa Congo”.

Nỗi sợ hãi này đã dẫn đến vụ sát hại cựu Thủ tướng Lumumba vào tháng 1-1961. Ông bị một nhóm tay súng thuộc bang Katanga ly khai của Congo bắn chết có sự chứng kiến của một số quan chức Bỉ. “Sau khi ông Lumumba bị hạ sát, một sĩ quan cảnh sát Bỉ tên là Gerard Soete và anh trai người này đã chịu trách nhiệm tiêu hủy thi thể nạn nhân bằng axit sunfuric để che giấu tất cả bằng chứng về vụ giết người. Nhưng Soete vẫn giữ một số phần thi thể của ông Lumumba bên mình và quyết định mang nó về Bỉ như một “chiến tích”.

Sau khi ông De Witte xuất bản cuốn sách phân tích vụ giết người của Lumumba bằng tiếng Hà Lan vào năm 1999, cựu sĩ quan cảnh sát Soete đã xác nhận vai trò của mình. Một cuộc điều tra của quốc hội Bỉ được đưa ra vào năm 2001 cho thấy, quốc gia này phải chịu trách nhiệm về mặt đạo đức đối với cái chết của ông Lumumba. Sau cuộc điều tra, Ngoại trưởng Bỉ lúc bấy giờ là Louis Michel đã bày tỏ “sự hối tiếc chân thành” về vai trò của Brussels trong vụ việc. Chỉ tới năm 2020, Quốc vương Philippe của Bỉ mới trả lời thư của bà Juliana Lumumba và đồng ý trao trả một phần thuộc về hài cốt của cha bà.

Trả lại răng liệu có đủ?

Theo nhận định của Anne Wetsi Mpoma, một nhà sử học nghệ thuật thuộc cộng đồng người Congo ở Bỉ, “ông Patrice Lumumba đã chiến đấu vì tự do của đất nước và cộng đồng Congo chưa bao giờ thực sự hồi phục sau mất mát đó. Hơn nữa, xét về cuộc khủng hoảng ở Congo hiện nay, ông thực sự giống như một biểu tượng của hòa bình, được nhiều người ngưỡng mộ vì là lãnh đạo chọn người dân chứ không phải bản thân mình”.

Năm 2018, theo yêu cầu của cộng đồng người Congo và các cộng đồng châu Phi khác ở Bỉ, hội đồng thành phố Brussels đã thông báo rằng một quảng trường công cộng sẽ được đặt theo tên của cố Thủ tướng Congo Patrice Lumumba. Theo Aliou Balde, một nhà hoạt động từ Guinea, quảng trường nằm giữa một khu phố mua sắm nhộn nhịp ở Brussels và đã trở thành không gian nơi mọi người tụ tập để phản đối phân biệt chủng tộc. “Với nhiều người châu Phi, ông Patrice Lumumba thúc đẩy chúng tôi chống lại nạn phân biệt chủng tộc, sự vi phạm của cảnh sát và kêu gọi phi thực dân hóa”, ông Aliou Balde nói.

Nhưng đối với De Witte, quảng trường công cộng và việc trả lại các di tích không có nghĩa lý gì khi chính phủ Bỉ vẫn thờ ơ với lịch sử đen tối của họ. “Đất nước Bỉ vẫn chưa hoàn toàn chịu trách nhiệm về vụ ám sát đó. Có xin lỗi và hối tiếc nhưng tất cả chỉ là thụ động. Tôi nghĩ rằng, bên cạnh lời xin lỗi cũng cần có nhiều hỗ trợ chính trị, tài chính và sự kiện để khắc phục hậu quả của thời kỳ đen tối này một cách hiệu quả”, ông nói thêm.