Bi kịch đẫm nước mắt những vụ án chồng giết vợ

ANTĐ - Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt nảy sinh trong cuộc sống gia đình, những ông chồng bạo lực đã đang tâm sát hại người vợ một thời “đầu gối tay ấp”, để rồi kẻ phải sa chân vào vòng lao lý, người thì ra đi mãi mãi, mới tỏ ra ân hận về những tội lỗi mình gây ra thì đã quá muộn màng.  

Mới đây, tại trụ sở UBND xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông đã mở phiên toà  xét xử sơ thẩm lưu động hai vụ án hình sự nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn. Phiên toà thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân bởi, bởi hai bị cáo trong các phiên tòa này chính là hai người chồng bị đưa ra truy tố về tội giết người.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông, bị cáo Phạm Văn Vinh (SN1959), trú tại thôn 8, xã Quảng Tân cùng vợ là bà Nguyễn Thị Nghĩa kết hôn từ năm 1983 và có với nhau 3 đứa con. Thời gian gần đây, cuộc sống giữa hai người đã có những dấu hiệu rạn nứt về tình cảm, thường xuyên xảy ra những chuyện cãi vã, “cơm không, canh chẳng ngọt”.

Vì cho rằng bà Nghĩa là người quản lý mọi chi tiêu, kinh tế trong gia đình và có âm mưu độc chiếm toàn bộ tài sản, không coi mình ra gì nên Vinh thường xuyên rượu chè, kiếm cớ gây gổ, chửi bới bà Nghĩa. Ngày 7/7/2012,  mâu thuẫn giữa hai người lên đến đỉnh điểm, khi Vinh bị vợ cho là “thủ phạm” cạy két sắt lấy trộm 4 chiếc sổ đỏ của gia đình mang đi cầm cố và có nhiều lời lẽ xúc phạm.

Không kìm chế được, Vinh đã xông vào dùng tay bóp cổ, đổ nước vào miệng bà Nghĩa khiến nạn nhân tử vong tại chỗ do suy hô hấp và ngạt nước. Sau khi gây án, Vinh kéo xác nạn nhân ra trước hiên nhà, bỏ mặc nạn nhân rồi thản nhiên quay vào phòng nằm ngủ như chưa hề có chuyện gì xảy ra cho đến khi bị lực lượng công an bắt giữ.

2 bị cáo Vinh và Lâm tại phiên tòa

Có mặt tại tòa, với tư cách vừa là người đại diện cho bị hại và cũng là đại diện cho bị cáo, chị Phạm Thị Xuân (SN 1990) - con gái bị cáo Vinh nghẹn ngào khi trả lời các câu hỏi của vị chủ tọa. Nỗi đau đớn tột cùng hiện rõ trên khuôn mặt tiều tụy và những giọt nước mắt tuôn trào của chị.

Xuân đã phải chứng kiến cảnh gia đình tan nát. Mẹ mất, cha vướng vào vòng lao lý khi bước vào cái tuổi “gần đất xa trời”. Tại tòa, bị cáo cũng đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về những tội ác do mình gây ra nhưng có lẽ đã quá muộn. Căn cứ vào tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, HĐXX tuyên phạt Phạm Văn Vinh 19 năm tù giam.

Cũng xuất phát từ những mâu thuẫn ghen tuông trong cuộc sống vợ chồng, Nguyễn Văn Lâm (SN 1976), trú tại xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã ra tay sát hại người vợ “đầu gối tay ấp” một thời.

Khoảng tháng 9/2011, Lâm phát hiện và bắt quả tang vợ mình là Đoàn Thị Chúc có quan hệ tình cảm bất chính với một người đàn ông khác ngay tại nhà mình. Từ đó cuộc sống giữa hai vợ chồng thường xuyên xảy ra cãi vã nhau, Chúc đã mang con bỏ nhà ra đi vào nhà anh trai, tại thôn 6, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

Ngày 19/11/2011, Lâm từ Thái Nguyên vào Đắk Nông để tìm hai mẹ con. Gặp nhau, Lâm đã chủ động làm lành, khuyên nhủ yêu cầu Chúc đưa con về cùng nhưng Chúc không đồng ý, sau đó hai bên lại tiếp tục cãi vã, chửi bới nhau. Qúa bức xúc, Lâm chạy vào trong nhà lấy một con dao phát chạy đến chém tới tấp vào người chị Chúc. Khi thấy chị Chúc nằm gục xuống đất kêu cứu, máu chảy nhiều… sợ bị phát hiện bắt giữ, Lâm liền vứt con dao gây án tại hiện trường rồi bỏ trốn về tỉnh Thái Nguyên và đến ngày 2/12/2011thì ra đầu thú tại Công an huyện Đại Từ.

Kết quả giám định cho thấy chị Chúc bị chém bị thương ở vùng vai gáy, đầu gối,  nửa bàn tay phải cùng 3 ngón tay bị đứt lìa… với tỷ lệ thương tật là 55/%... HĐXX tuyên phạt Nguyễn Văn Lâm 8 năm tù giam về tội giết người và buộc bị cáo phải bồi thường cho chị Chúc số tiền 59 triệu đồng.

Hai bản án thích đáng dành cho hai  bị cáo Vinh và Lâm là bài học cảnh tỉnh chung cho tất cả mọi người, nhất là những ông chồng thích giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực gia đình.

Có quá nhiều vụ án xảy ra do mâu thuẫn gia đình. Đã đến lúc các cấp chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội ở cơ sở cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho mọi người dân, nhất là việc giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong chính gia đình của mình. Có như thế mới góp phần ngăn ngừa và hạn chế những trường hợp đau lòng đáng tiếc có thể xảy ra như các vụ án trên.