Bí ẩn hòn đá thần linh trên đỉnh gió hú

ANTĐ - Hòn đá thiêng như người thủ lĩnh nằm trên đỉnh Pa Thắng. Đó là tâm hồn, vị thần núi của đồng bào dân bản Hà Nhì ở thượng nguồn sông Đà.
“Hòn đá- vị thần trên đỉnh Pa Thắng sự tích ra sao?” Tôi mang câu chuyện về đồn biên phòng 313 hỏi thì được anh em bảo, "người Hà Nhì coi đó là nơi thiêng liêng. Còn đối với đồn 313 thì mỗi buổi sớm đi tuần tra đường biên giới, chúng tôi luôn phải ghé qua đó vì nơi đây có đặt cột mốc 30 đường biên giới lãnh thổ của nước ta. Đồn biên phòng 313 Thu Lũm, Mường Tè, Lai Châu là nơi gian khó nhất ở thượng nguồn sông Đà, nơi đây dòng sông Đà nhập quốc tịch Việt Nam”. Chính những cán bộ chiến sỹ đồn biên phòng 313 giờ đây đã như người con của bản. Cái khó, cái khổ của bà con được anh em hỗ trợ. Người Hà Nhì ở bản Pa Thắng, Mé Gióng và Lò Ma xã Thu Lũm ai cũng quý bộ đội biên phòng.

Đỉnh cao chỉ có gió hú, mây mù và những người con của bản


Ngày xưa, dân bản Hà Nhì sống rải rác khắp triền núi. Bộ đội biên phòng đã dạy họ trồng cây ngô, cây lúa để bớt khổ. Theo ngày tháng, niềm tin vào bộ đội của dân bản như sợi dây rừng quấn lấy thân cây. 

Đường vào Thu Lũm như con rắn trườn theo triền núi

Cột mốc chủ quyền lãnh thổ biên giới Việt Nam

 Hòn đá trắng ở trên đỉnh núi cao. Nó sừng sững giữa mây ngàn. Như sự chứng giám tồn tại ngàn đời của dân tộc Hà Nhì nơi mây trời Tây Bắc. Ở nơi ấy, càng lên đỉnh núi cao, gió càng hú mạnh. Mùa đông gió rít như rụng tai. Hạ sang, nắng quẹo lá rừng. Dân bản đồn rằng, những tai ương của thiên nhiên là do chưa hợp lòng vị thần núi, nên núi rừng nổi giận. Khi ấy, họ làm gì cũng không đủ ăn, người sinh ra mỗi ngày một nhiều mà cái ăn ngày càng ít, cây rừng thưa đi, thú hiếm tìm được.

Lần theo hướng gió nóng, như mà rừng dẫn dụ họ đến một nơi cao nhất để nhìn về 4 phương, tìm nơi khác sinh sống. Khi nghỉ chân trên đỉnh núi, dân bản thấy xuất hiện một tảng đá trắng muốt, lấp lánh giữa rừng xanh, trên đỉnh núi cao mây mù bất chợt, nắng mưa xen nghịch mùa. Trở về bản sau những ngày di cư, kiếm sống, họ thấy cây trong bản xanh lên, thú trong rừng sẵn hơn họ đã cho rằng vị thần núi đã che chở. Và từ khi ấy, dân lập bản, cắm ở dưới chân tảng đá trắng linh thiêng này.

Hòn đá trắng nằm trên đỉnh núi, dân bản coi đó là vị thần trấn ải bản nơi địa đầu biên cương

 Người Hà Nhì sống ở trên núi cao. Trong tâm tưởng của người con dân bản, nơi nào cũng có vị thần che chở. Cuộc sống họ thịnh hay suy là nhờ vị thần ban ơn cho họ, và những người được ban ơn phải là những người biết tôn thờ và tuân theo những lời nguyền của sông núi. Người Hà Nhì cho rằng, nơi ở của bản, chính là vị thần đã định, như sự sắp đặt nào đó, vì vậy họ luôn cho rằng quanh họ sẽ có một vị thần đang phù trợ để dõi theo dân bản suy thịnh.
 Ở bản Pá Thắng, xã Thu Lũm, Mường Tè, Lai Châu từ ngàn đời qua, người dân bản vẫn có một vị thần núi để trấn ải, để chứng kiến, bảo vệ thiên nhiên mùa màng. Câu chuyện thực hư, hư thực về tập tục của người Hà Nhì giờ đã không còn là câu chuyện huyền tích mà nó là vị thần của dân bản. Họ coi đó là mảnh đất thiêng, họ coi hòn đá trắng là vị thần trấn ải, canh giữ cho dân bản những vụ mùa bội thu.

Dân bản Pa Thắng luôn tin tưởng và quý trọng những chiến sỹ biên phòng như người con của bản

Và những gì họ đã quý trọng thì luôn coi đó là vị thần linh

 Ở Thu Lũm, những chiến sỹ biên phòng ngoài nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới còn nhiệm vụ làm thầy giáo mang quân hàm xanh