Bếp ăn 2,3 tỷ đồng chuẩn Nhật Bản phục vụ bữa ăn 1.500 học sinh tiểu học

ANTD.VN - Bếp ăn hiện đại theo đúng tiêu chuẩn Nhật Bản, tuân thủ nhiêm ngặt nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm vừa được khánh thành chiều 23-5 tại trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn.

Bếp ăn mẫu bán trú tiêu chuẩn Nhật Bản

Nằm trong dự án Bữa ăn học đường do Công ty Ajinomoto Việt Nam phối hợp với Bộ GDĐT, Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế triển khai tại gần 3.000 trường tiểu học trên 34 tỉnh, thành phố cả nước từ tháng 3-2017 đến nay, việc xây dựng bếp ăn mẫu bán trú theo tiêu chuẩn Nhật Bản đã được khởi động với bếp đầu tiên ở phía Bắc tại trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn vào chiều 23-5.

Tại lễ khánh thành, ông Keiji Kaneko - Tổng Giám đốc Công ty Ajinomoto Việt Nam cho biết, bếp ăn mẫu bán trú tại Lạng Sơn được xây dựng với tổng kinh phí gần 2,3 tỷ đồng. Trong đó, Đại Sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tài trợ chính với khoảng 1,7 tỷ đồng từ chương trình viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. Công ty Ajinomoto Việt Nam đóng góp gần 170 triệu đồng và hỗ trợ tư vấn về mô hình, tập huấn các quy trình vận hành chuẩn trong căn bếp.

Với mức đầu tư lớn như vậy, bếp mẫu được trang bị các thiết bị, dụng cụ hiện đại gồm hệ thống bếp “niêu tay quay” và nồi hầm với công suất gấp 2 - 3 lần bếp ăn thông thường; hệ thống vòi nước di động cấp nước nhanh đến từng khu vực; xe đẩy trung chuyển... giúp giảm thiểu nhiều thao tác nặng trong công việc cũng như tiết kiệm thời gian cho nhân viên cấp dưỡng trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm.

Ngoài ra, bếp được thiết kế theo từng khu vực riêng biệt như khu tiếp nhận nguyên liệu, sơ chế, chế biến, vệ sinh... với quy định trang phục khác nhau ở từng khu và dụng cụ làm việc được đánh dấu theo màu sắc, giúp toàn bộ quy trình nấu ăn được quản lý chặt chẽ, đảm bảo ngăn ngừa nhiễm chéo giữa các công đoạn.

Ông Keiji Kaneko cho biết, bếp mẫu tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc trong an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao hiệu suất hoạt động của bếp ăn. Bếp ăn được áp dụng quy tắc một chiều từ khâu tiếp nhận nguyên liệu đến khâu chế biến thành phẩm và vệ sinh sau bữa ăn với hướng dẫn rõ ràng ở mỗi công đoạn. Đặc biệt, bếp phải được xây dựng tách biệt với nhà vệ sinh và các nguồn ô nhiễm khác...

Bếp ăn chuẩn bán trú cho 1.500 học sinh tiểu học theo quy trình tiêu chuẩn Nhật Bản trị giá 2,3 tỷ đồng vừa được khánh thành tại Lạng Sơn

Được biết, bếp ăn mẫu bán trú tại trường tiểu học Hoàng Văn Thụ hiện đang phục vụ cho 1.270 học sinh bán trú và dự kiến vào năm học mới sẽ nâng lên 1.500 học sinh.

Gần 3.000 trường tiểu học triển khai thực đơn cân bằng dinh dưỡng

Quyết định tài trợ “Bếp ăn mẫu bán trú” tại Lạng Sơn thể hiện sự đánh giá cao của Chính phủ Nhật Bản trước những ý nghĩa và đóng góp quan trọng của Dự án Bữa ăn học đường vào việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em Việt Nam. 

“Bếp ăn mẫu bán trú” tại trường tiểu học Hoàng Văn Thụ được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ các trường tại khu vực phía Bắc chuẩn hóa bếp ăn bán trú, từ đó thúc đẩy phát triển Dự án Bữa ăn học đường trên quy mô toàn quốc.

TS Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cùng ông Keiji Kaneko, Tổng Giám đốc Công ty Ajinomoto Việt Nam cắt băng khánh thành bếp ăn mẫu tại trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn

Trước đó vào năm 2014, Công ty Ajinomoto Việt Nam đã tài trợ và phối hợp cùng Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM xây dựng “Bếp ăn mẫu bán trú” đầu tiên tại trường Tiểu học Trưng Trắc, Quận 11, TP.HCM. Tính đến tháng 4 năm 2018, mô hình bếp mẫu này đã đón hơn 1.000 đơn vị đến từ các trường học và tổ chức từ nhiều tỉnh thành trên cả nước đến tham quan và học tập.

Nói về bếp ăn học đường, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định sự cần thiết của mô hình này đối với dự án Bữa ăn học đường đang triển khai trong cả nước. Việc xây dựng bếp ăn mẫu bán trú sẽ là cơ hội để các trường đến học tập và tiếp tục nhân rộng trên toàn quốc.

Được biết, ngày 16/01/2017, Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định số 196/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng. Theo đó, phần mềm sẽ được triển khai đối với các trường tiểu học có tổ chức bữa ăn bán trú trên toàn quốc nhằm đảm bảo thực đơn cân bằng dinh dưỡng trong các bữa ăn tại nhà trường.

Tính đến tháng 4 năm 2018, Dự án “Bữa ăn Học đường” đã được triển khai đến 34 tỉnh, thành phố với 2.910 trường tiểu học bán trú trên toàn quốc thông qua áp dụng “Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” trong công tác chuẩn bị thực đơn cũng như áp phích minh họa “3 phút thay đổi nhận thức” trong giáo dục kiến thức về dinh dưỡng cho học sinh.