"Bệnh viện"giúp hồi sinh những báu vật tâm linh

ANTD.VN - Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và Quỹ Sumitomo Nhật Bản vừa hoàn thành một dự án hợp tác kéo dài 6 năm với việc bảo quản 3 hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Tổng số tiền tài trợ lên tới 24 triệu Yên (tương đương 4,8 tỷ đồng). 3 hiện vật vừa được phục chế thành công gồm bức tranh chùa Hàm Long, tượng Phật Nhật Bản và cửa chùa Phổ Minh. 

"Bệnh viện"giúp hồi sinh những báu vật tâm linh ảnh 1Tượng Phật Nhật Bản được các chuyên gia Nhật Bản phục chế, tổng chi phí lên tới 8 triệu Yên (khoảng 1,6 tỷ đồng)

Dự án bảo quản này là kết quả của những cuộc khảo sát được tiến hành trong khuôn khổ hợp tác trao đổi nghiên cứu giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Quốc gia Kyushyu trong 2 giai đoạn liên tiếp (2011-2016/ 2016-2020). Đặc biệt trong 6 năm liên tục, Quỹ Sumitomo (Nhật Bản) không chỉ tài trợ mà còn cử các chuyên gia đầu ngành của Nhật Bản sang thực hiện tu sửa, bảo quản hiện vật, tác phẩm có giá trị cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ý nghĩa của việc tài trợ này không chỉ dừng lại ở những hiện vật được bảo quản tu sửa đạt kết quả tốt mà còn là cơ hội cho các cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được học tập, nâng cao trình độ trong quá trình làm việc với các chuyên gia Nhật Bản. 

"Bệnh viện"giúp hồi sinh những báu vật tâm linh ảnh 2Tượng Phật sau phục chế

Cổ vật hồi sinh

Năm 2013, việc phục chế bức tranh chùa Hàm Long được các chuyên gia bắt tay vào thực hiện. Đây là một bức tranh sơn của Việt Nam có niên đại trong khoảng thế kỷ XVIII-XIX, kích thước: 141,2cm x 117,3cm x 2,6cm tính cả khung gỗ. Tuy gọi là tranh sơn nhưng trên thực tế, những phần có màu trắng được tạo thành từ một loại chất liệu không phải là sơn (gần với “mitsudae” của Nhật Bản hay tranh sơn dầu). 

Bức tranh được vẽ từ một số chất liệu trên một tấm giấy dán trên phiến gỗ. Sau đó người ta lắp thêm khung gỗ. Ở mặt sau, người ta lắp 3 nẹp gỗ theo chiều ngang. Khung và nẹp gỗ đều được đóng cố định bằng đinh sắt. Ở hai nẹp trên và dưới cùng đã xuất hiện hiện tượng cong vênh.

Năm 2014, các chuyên gia tiếp tục phục chế bức tượng Phật Nhật Bản đang được lưu giữ trong kho bảo quản của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Tượng được làm từ khối gỗ dùng kỹ thuật nối ghép (yosegi - zakuri) thời Kamakura Nhật Bản, thế kỷ XIII. Bề mặt được sơn một lớp sơn màu đen với những phần trang trí bằng vàng được gắn vào đó và có cả những chiếc lá vàng đã được cắt tỉa. Nhân vật chính mặc một chiếc áo choàng và tay trái buông thấp với lòng bàn tay hướng ra phía trước và ngón tay cái cùng ngón trỏ chạm vào nhau. 

“Khi còn làm Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam với những dự án với Bỉ, cộng đồng nói tiếng Pháp, chúng tôi có xây dựng một phòng bảo quản với các thiết bị tương đối hiện đại có thể bảo quản nhiều hiện vật. Tuy nhiên, con người có hạn, không gian bảo quản cũng có hạn, thiết bị chưa được đầu tư nhiều cho nên công tác bảo quản chưa tạo sức lan tỏa mạnh. Vấn đề ở đây là phải thay đổi cả về nhận thức và hành động để làm sao những hiện vật của bảo tàng, di tích được bảo quản một cách tốt nhất”. 

Tiến sĩ Phạm Quốc Quân (Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam)

Tượng này trước đây nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Quốc gia Tokyo. Từ năm 1943 trở đi, Bảo tàng đã tiến hành trao đổi các cổ vật với l’Ecole Francaise d’ Extreme Orient (Viện Viễn Đông Bác cổ - EFEO), lúc đó có đặt văn phòng chính tại Hà Nội. Đây là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Nhật Bản tại Đông Nam Á, đồng thời cũng là nhân chứng rất quan trọng đối với lịch sử giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.

Mặc dù bức tượng được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ, bảo quản cẩn thận trong những điều kiện tương đối tốt, nhưng với chất liệu gỗ và đã trải qua một thời gian dài nên tượng Phật hiện nay đã bị xuống cấp; có hiện tượng sứt, mọt, nứt. Dự án được thực hiện trong 2 năm (2014-2015) với kính phí gần 8 triệu Yên (tương đương 1,6 tỷ đồng). 

Đến năm 2016, dự án tu bổ bộ cánh cửa chùa Phổ Minh (thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) được bắt tay vào thực hiện kéo dài đến năm 2018. Căn cứ vào các nguồn sử liệu có thể khẳng định, chùa Phổ Minh xây dựng từ thời Lý, đến thời Trần được trùng tu lại với quy mô lớn. Dưới thời Lý, chùa Phổ Minh có vạc đồng nghìn cân, được coi là một trong An Nam tứ đại khí. Trải qua thời gian, chùa đã được trùng tu, tu sửa nhiều lần vào các thời Mạc, Hậu Lê, Tây Sơn, đặc biệt dưới triều Nguyễn. 

Bộ cánh cửa chùa Phổ Minh gồm 4 cánh, hai cánh ở giữa hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, hai cánh ở bên hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Định. Kích thước mỗi cánh dài 191cm, cánh phải rộng 71cm, cánh trái rộng 68cm và có độ dày 7cm. Hai cánh cửa nằm ở gian giữa của tiền đường được tạo bằng 2 tấm gỗ lim lớn, to dày, cao 1,91cm, cánh phải rộng 71cm, và có độ dày 7cm nguyên khối, gồm 2 cách trang trí đối xứng. Ô trên được chạm trang trí 4 rồng chia làm 2 cặp đối xứng nhau.

Các con rồng trang trí trên cánh cửa chùa Phổ Minh đều có đặc điểm đầu ngẩng cao, thân uốn khúc, đuôi chụm về phía đỉnh lá đề. Cùng với thăng trầm của lịch sử, chịu tác động của biến đổi khí hậu, hiện trạng hai cánh cửa trước khi tu sửa đã bị mục rỗng nhiều chỗ, từng nhiều lần được gia cố, tu sửa bằng nhiều loại vật liệu khác nhau như thạch cao, xi măng, sơn... Việc tu sửa, phục dựng 2 cánh cửa chùa Phổ Minh với tổng kinh phí hơn 13 triệu Yên (tương đương hơn 2,5 tỷ đồng).

"Bệnh viện"giúp hồi sinh những báu vật tâm linh ảnh 3Các chuyên gia đang bảo quản cánh cửa chùa Phổ Minh

“Bệnh viện” cổ vật, liệu có khả thi?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cho biết, trải qua thời gian và sự khắc nghiệt của thời tiết, nhiều hiện vật quý tuy chưa tới mức độ phá hủy không thể cứu vãn, nhưng cũng đã hư hại khá nhiều, ví dụ mộ thuyền khai quật ở Hà Nam, dù quý giá là thế, nhưng cho tới nay đã xuất hiện hiện tượng mủn ra.

Tại Hàn Quốc hay Trung Quốc, họ có những chiếc xe chuyên dụng hàng triệu USD để bảo quản hiện vật ngay khi mới đưa từ hố khai quật lên, hoặc khi khai quật các con tàu đắm ở biển, họ đã có sẵn nhiều buồng bảo quản trên tàu, để đảm bảo, khi trục vớt, các hiện vật ngay lập tức được đưa vào “chế độ bảo quản đặc biệt”. Trong khi đó, hiện vật khảo cổ ở Việt Nam bảo quản còn khá thô sơ.

Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho biết, ông từng đến một trung tâm bảo quản của Bảo tàng Pháp. Tới nơi, ông gặp 2 chuyên gia đang tiến hành bảo quản một bức tượng ở thế kỷ thứ XVII, bức tượng này đã mất cả chân và 2 tay. Nhiệm vụ của họ trong suốt mấy năm chỉ là tẩy bỏ những lớp sơn của nhiều thời đại xếp chồng lên nhau trả lại lớp sơn ban đầu cho bức tượng đó. Kinh phí bảo quản khoảng 100.000 USD cho một bức tượng như vậy. 

Tiến sĩ Phạm Quốc Quân cho rằng, dù cho công tác bảo quản “ngốn” rất nhiều về thời gian, tiền bạc, tài chính nhưng nó giữ được lại cho thế hệ mai sau và đảm bảo cho hiện vật có sự phát triển lâu dài. Ý tưởng về một mô hình trung tâm bảo quản cổ vật ở Việt Nam cần phải được tiến hành nhưng làm sao cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam thì các nhà quản lý cần phải nghiên cứu. Bản thân ông, rất mong chờ điều này thành sự thật.

Đây không phải lần đầu các chuyên gia đưa ý tưởng về bệnh viện cứu chữa cổ vật. theo Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, nhiều năm trước từng có đề xuất về “bệnh viện” đặt ở 3 miền, nhưng đến nay chưa có tiến triển mới. Phân tích lý do “bệnh viện” cổ vật chưa thể thành hiện thực, Tiến sĩ Phạm Quốc Quân nói rằng có thể thời điểm khi ấy chưa thực sự chín muồi, thứ hai là khó khăn về kinh phí và quan trọng nhất là nhận thức thời điểm đó chưa đủ nhìn nhận đó là yêu cầu bức thiết đối với bảo quản hiện vật.

Đa số các chuyên gia đều khẳng định, khó khăn nhất đối với ý tưởng hình thành bệnh viện cứu chữa cổ vật là kinh phí hoạt động. Song có một thực tế trái ngược là, người Việt không tiếc tiền công đức xây dựng, bảo tồn di tích tâm linh nhưng xã hội hóa bảo quản hiện vật không mấy ai để ý.