Bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ

ANTĐ - Miền Bắc đang bước vào mùa mưa lũ. Thời tiết thay đổi cộng thêm điều kiện vệ sinh môi trường, nguồn nước… dễ bị ô nhiễm trong mùa mưa khiến nhiều dịch bệnh, bệnh mãn tính có nguy cơ bùng phát và gia tăng mạnh.

Đau mắt đỏ thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa lũ. Ảnh: Internet

Bệnh đường ruột. Trong và sau mưa lũ, vô số vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải… hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Thời điểm này bệnh về đường ruột thường tăng lên đáng kể và có nguy cơ làm lây lan mầm bệnh tạo thành dịch nguy hiểm.

Bệnh đường ruột hay gặp nhất là tiêu chảy, nguy hiểm nhất là tiêu chảy do vi khuẩn tả. Ở những vùng, miền xảy ra mưa lũ, lụt mà trong các nguồn nước có vi khuẩn tả thì cực kỳ nguy hiểm vì chúng có khả năng lây lan nhanh chóng. Bên cạnh đó là bệnh tiêu chảy gây ra do virus, thường gặp nhất trong mùa mưa, lũ, lụt là Rotavirus. Ở trẻ em, nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy do Rotavirus là rất lớn và khả năng lây lan cũng mạnh, nhất là dùng nước để ăn, uống không hợp vệ sinh sau mưa, lũ lụt. Khi bị nhiễm Rotavirus sẽ bị sốt, buồn nôn và ói mửa dữ dội. Sau 24 đến 48 giờ, sẽ xuất hiện triệu chứng tiêu chảy. Trẻ tiêu chảy phân lỏng toàn nước, không có máu. Tiêu chảy và nôn ói có thể lên đến hơn 20 lần/ngày. Thông thường bệnh kéo dài từ 3 đến 8 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 2 tuần. Vì vậy khi bị tiêu chảy do Rotavirus cần chú ý dùng các dung dịch bù nước bằng đường uống càng sớm càng tốt để ngừa mất nước.

Bệnh nước ăn chân (bệnh nấm ở chân) hay gặp ở những người thường xuyên tiếp xúc với nước, môi trường ẩm ướt, mang giầy tất bít kín mà không thay giặt thường xuyên. Bệnh có thể biểu hiện bằng hình thức tróc vảy khô, mụn nước hoặc viêm kẽ. Ở các kẽ ngón, thường là ở các kẽ hẹp như kẽ của các ngón chân giữa, ngón chân áp út, lớp da bên trên bị mủn trắng, có kẽ nứt, bên dưới là một nền da đỏ ướt.

Bệnh gây ngứa ngáy, khó chịu, nếu bị bội nhiễm có thể sốt, nổi hạch bẹn và đau. Lúc bấy giờ bàn chân bị sưng tấy lên và có mủ… Bệnh nhân nên uống kháng sinh, bôi các dung dịch màu như màu xanh Methylen, màu tím Gentian, màu đỏ Fuschin để sát khuẩn và khô mủ. Cũng có thể dùng thuốc nam để chữa bằng cách dùng lá chè xanh và lá phèn đen mỗi thứ 20 - 30g, nấu nước đặc, ngâm rửa chân trong 5 - 10 phút. Rồi lấy quả cà dại hoa trắng phối hợp với lá lốt, mỗi thứ 20g, giã nát, thêm ít nước, dùng bông thấm thuốc bôi vào những kẽ nứt nẻ. Lấy lá móng tay, lá bạch hạc, lá phèn đen, lá trâm bầu mỗi thứ 50 - 100g, giã nát, ngâm vào 100ml rượu trắng. Dùng bôi 2 - 3 lần trong ngày. Đập giập củ tỏi, bôi vào những kẽ nứt và chỗ ngứa. Ngày làm 2 lần, sau 3 - 5 ngày có kết quả.

Bệnh ghẻ: Tác nhân gây bệnh là con cái ghẻ Sarcoptes scabiei. Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người hoặc gián tiếp qua đồ dùng. Bệnh có phổ biến vào mùa lũ, khi tiếp xúc với môi trường ẩm ướt, thiếu vệ sinh. Triệu chứng của bệnh là nổi các mụn nước rời rạc, màu trắng đục phân bố ở vùng da non như kẽ ngón, lòng bàn tay, cổ tay, bụng dưới, đùi.

Ở trẻ em, thường thấy các sẩn cục hoặc sẩn kèm mụn nước ở nách và bìu. Bệnh rất ngứa, đặc biệt là về đêm. Việc điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc bôi diệt cái ghẻ. Muốn trị dứt điểm bệnh này, nhất thiết phải trị cho người tiếp xúc mắc bệnh cùng một lúc với nhau, vệ sinh quần áo cá nhân và bôi thuốc đúng cách. Ngoài ra có thể dùng bài thuốc sau: Sinh địa, Mộc thông, Hồ ma nhân, Thuyền thoái, Phòng phong, Thương truật, Kinh giới, Đương quy, Thạch cao, Ngưu bàng tử, Khổ sâm, Phòng phong, Tri mẫu với lượng bằng nhau 8g mỗi vị cho người lớn và 4g mỗi vị cho trẻ em. Sắc uống ngày 1 thang. Uống 7 ngày liền.

Mẩn ngứa: Sau mưa lũ, các bệnh mẩn ngứa sẽ tấn công trẻ nhỏ - đối tượng sở hữu làn da mỏng và nhạy cảm. Ở một số trẻ, bệnh diễn biến trở thành mãn tính thường do không có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nóng ẩm lưu đậu trong cơ thể, dẫn tới huyết hư thương tổn âm, hoá khô sinh phong, gió khô nóng ẩm uất kết, da mất nuôi dưỡng. Để chữa mẩn ngứa, có thể dùng các bài thuốc đông y đơn giản như sau: Lá và ngọn cây húng giổi 20 - 30g, rửa sạch, giã nát, thêm nước sôi để nguội, cho vào vải mỏng, vắt lấy nước và cho thêm ít đường uống hoặc kết hợp hạt húng giổi 3 - 6g, ngâm với nước đến khi chất nhầy bao quanh hạt phồng lên thành màng trắng. Trộn hai nước lại, uống làm một lần. Đồng thời, dùng bã lá xoa đều khắp cơ thể, nhất là vào những chỗ bị mẩn ngứa. Thường chỉ làm 1 - 2 lần đã thấy hết ngứa. Tiếp tục vài lần nữa là khỏi hẳn. Trường hợp không có hạt, dùng riêng lá cũng được.

Bệnh đau mắt đỏ: Sau mưa lũ, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, nếu tắm rửa, nhất là rửa mặt bằng nguồn nước này thì mắc đau mắt đỏ là điều khó tránh. Mầm bệnh gây đau mắt đỏ thường là nhóm virus Adeno hoặc vi khuẩn nhóm Chlamydia vốn rất sẵn có trong môi trường nước bẩn, tù đọng. Đây là bệnh lành tính, nhưng lây lan rất nhanh. Đối với đau mắt đỏ thì phòng bệnh là rất quan trọng và dùng nước sạch để tắm rửa, nhất là rửa mặt là hàng đầu. Để chữa đau mắt đỏ đơn giản nhất là dùng dung dịch cloroxit 0,4% (hoặc chloramphenicol 0,4%) là loại thuốc sẵn có trên thị trường thuốc trong cả nước. Nên nhỏ mắt mỗi khi tiếp xúc với nước bẩn hoặc dùng 4 - 6 lần một ngày để phòng đau mắt đỏ.