Bệnh nhân “chết khô chân” đang có dấu hiệu tái phát

ANTĐ - “Mặc dù anh Cil Ha Toàn đã được các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ hai bàn chân đã bị chết nhưng có khả năng các chi của bệnh nhân sẽ tiếp tục bị hoại tử”.

Ngày 18/7, anh Nguyễn Đình Rốt, một trong hai người đưa anh Cil Ha Toàn (40 tuổi) từ Lâm Hà (Lâm Đồng) xuống Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM phẫu thuật cho biết, bác sĩ vừa có thông tin như trên.

Trước đó, tối ngày 13/7, các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã tiến hành phẫu thuật, cắt bỏ hai bàn chân chết khô, mốc đen của bệnh nhân Cil Ha Toàn. Tuy nhiên, tại một số đầu ngón tay của anh Toàn cũng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường, được các bác sĩ chuẩn đoán là dấu hiệu của bệnh Buerge gây ra nhưng chưa đến mức phải phẫu thuật, cắt bỏ.

Mô tả ảnh.

Những dấu hiệu bất thường ở bàn tay anh Cil Ha Toàn

Theo các bác sĩ, do hiện nay bệnh Buerge chưa có thuốc đặc trị, tái tạo lại phần đã bị hoại tử nên biện pháp tốt nhất đối với người mắc bệnh nặng là phẫu thuật, cắt bỏ phần này.

Tuy vậy, khả năng bệnh tái phát ở những phần chi khác (ngón tay, bàn tay, ngón chân, bàn chân) là rất cao. Do đó, người bệnh sau khi được phẫu thuật cần phải thường xuyên theo dõi tình trạng bệnh tật, đến bệnh viện kiểm tra để kịp thời phát hiện và có hướng điều trị ngay.

Chị Ka Rưng, vợ bệnh nhân Cil Ha Toàn cho biết, anh Ha Toàn nghiện thuốc lá nặng hơn 20 năm qua. Trung bình mỗi ngày bệnh nhân hút hết 1 gói thuốc lá. Từ khi mắc bệnh Buerge (11/2011) đến nay, anh Cil Ha Toàn có giảm hút thuốc do không có tiền nhưng thỉnh thoảng chồng thèm thuốc chị Ka Rưng vẫn đi mua về cho chồng hút.

Mô tả ảnh.

Bàn chân anh Cil Ha Toàn lúc vừa nhập viện

Theo thống kê của ngành y học, hầu như tất cả bệnh nhân được chẩn đoán bệnh Buerger đều hút thuốc lá hoặc dùng các sản phẩm chứa nicotine, như kẹo sing-gum có nicotine….

Mô tả ảnh.

Anh Ha Toàn trước lúc phẫu thuật cắt bỏ hai bàn chân bị hoại tử

Bác sĩ Nguyễn Hải Dương khuyên, bỏ tất cả các loại thuốc lá là con đường duy nhất để chặn đứng bệnh Buerger. Ở những người không bỏ được thuốc lá, cắt đoạn một phần hoặc toàn bộ chi có thể cần phải thực hiện ở giai đoạn sau cùng.

Hiện nay, bệnh Buerger chưa thể chữa khỏi, chỉ có thể dùng nhiều loại thuốc để giảm bớt các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh. Các chọn lựa bao gồm thuốc để cải thiện lưu lượng máu và làm tan cục máu đông. Phẫu thuật cắt lọc các dây thần kinh bị tổn thương để giảm đau.

Theo bác sĩ Nguyễn Hải Dương, phó khoa Ngoại Chấn thương Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Buerger còn gọi là viêm thuyên tắc mạch máu (thromboangiitis obliterans), bệnh gặp chủ yếu ở những người nghiện thuốc lá.

Bệnh Buerger có đặc điểm là sự phối hợp của phản ứng viêm và cục máu đông trong lòng mạch máu khiến lưu lượng máu bị suy giảm dẫn đến tổn thương và huỷ hoại mô, sau cùng là nhiễm trùng và hoại tử. Bệnh Buerger thường khởi phát ở bàn tay và bàn chân sau đó lan rộng đến những vùng khác của chi.

Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh Buerger bao gồm đau, yếu cẳng chân và bàn chân, hoặc cẳng tay và bàn tay,  bàn tay, bàn chân; ngón tay và ngón chân tím tái khi bị lạnh; các vết loét ở ngón tay và ngón chân.

Bệnh Buerger xảy ra do viêm các động mạch và tĩnh mạch ở cánh tay và cẳng chân. Các tế bào viêm và đôi khi các huyết khối (cục máu đông) hình thành ở mạch máu, chặn dòng chảy của máu đến và máu đi ở chân tay người bệnh. Giảm lưu lượng máu sẽ khiến các mô ở tay chân không nhận đủ oxygen và các chất dinh dưỡng để duy trì hoạt động.

Điều này đưa đến các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh Buerger, bắt đầu bằng đau và yếu các ngón tay, ngón chân rồi sau đó lan rộng đến các bộ phận khác của cánh tay và cẳng chân.