“Beethoven Việt Nam” Nguyễn Văn Quỳ: Buồn đau nhưng không bi lụy

ANTĐ - Trong một chiều giông, tôi được nghe bản sonata số 6 của ông. Tiếng mưa ràn rạt ngoài hiên. Những bông hồng trong lọ đã héo tàn. Song không hiểu vì sao những nét nhạc buồn thương da diết ấy vẫn lấp lánh niềm hy vọng. Cũng như người nhạc sỹ cô đơn nhưng chưa bao giờ thất vọng với cuộc đời.

Năm 1994, nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ là người Việt Nam đầu tiên vào
Hội bản quyền tác giả âm nhạc thế giới SACEM

1. Ngôi nhà cổ số 13, phố Nguyễn Quang Bích (Hà Nội) có lẽ khó gợi ấn tượng nào đó đối với công chúng Việt dù rằng từ lâu đã là địa chỉ được nhiều người nước ngoài nhắc đến. Nó cũng lặng lẽ, đơn sơ và khiêm nhường như chính người chủ của mình. Ở tuổi 88, nhạc sỹ Nguyễn Văn Quỳ vẫn giữ nguyên tác phong của một ông giáo những năm 1960 - hiền hậu và dung dị. Thời gian như dừng lại trong ngôi nhà. Bộ bàn trà mộc mạc. Cây đàn dương cầm cũ kỹ. Chiếc ghế mây đặt cạnh máy phát nơi ông vẫn ngồi chìm đắm trong suối nhạc với những suy tư bất tận. Còn ông vẫn như dừng lại ở tuổi tri thiên mệnh. Những xô bồ của cuộc sống không chạm được đến ông. Ông sống thanh thản, khỏe khoắn về cả thể chất lẫn tâm hồn. Không vướng bận, bon chen. Không than phiền, buồn bã. Lúc nào cũng thấy đủ đầy. 

Gian phòng nhỏ chừng 30m2 ấy thỉnh thoảng lại đón những người bạn nước ngoài mà cả chủ lẫn khách đều chưa một lần biết nhau, chỉ vì “tri âm” mà tìm đến. Người Đức, Pháp, Thụy Sỹ, người Ba Lan, thậm chí cả người Anh, Mỹ, nơi nhạc cổ điển vẫn còn là một thứ nghệ thuật bác học mà họ chưa thể nào với tới. Họ đến vì ngưỡng mộ tài năng của ông. Vì những tác phẩm của ông đã vượt qua biên giới, dẫn đường cho họ đến với đất nước Việt Nam nhỏ bé thanh bình.

2. Nguyễn Văn Quỳ được nhiều người gọi là “Beethoven của Việt Nam” không phải vì số lượng các bản sonata viết cho violin và piano của ông chỉ kém một bản so với thiên tài người Đức, mà là chất của 9 bản nhạc ấy. Bản đầu tiên ông hoàn thành năm 1964 mang một âm điệu hết sức đặc biệt và lập tức được đưa vào giáo trình dạy nhạc của Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. Đến bản số 9, ông viết năm 2003 để tặng nữ nghệ sỹ 

Isabella Durin, cây vĩ cầm số 1 của dàn nhạc giao hưởng quốc gia Ile de France trong lần thứ 2 cô đến Việt Nam biểu diễn chính những tác phẩm của ông. Những bản sonata ấy đều là kết quả của quá trình tìm tòi, nghiên cứu lý luận sâu sắc của ông, cộng với niềm đam mê sáng tạo, nên nó khác biệt những bản nhạc cổ điển đã được biết đến trên thế giới.

Cái tên “Beethoven của Việt Nam” là do những người yêu nhạc ở Pháp gọi Nguyễn Văn Quỳ. Khi nghe bản sonata số 5 và số 8 của ông, nhạc sỹ đồng thời là nhà lý luận âm nhạc người Đức đã liên tiếp thốt lên rằng: “Đây là thiên tài”. Những người bạn Pháp thì nhận xét: “Ông đã tạo ra một ngôn ngữ âm nhạc mới, đậm chất thơ và nỗi buồn man mác”, trong khi ông Adam, một nhà nghiên cứu âm nhạc người Ba Lan nói: “Những tình cảm và xúc động giao hòa với nhau, vượt khỏi không gian và thời gian. Âm nhạc của ông là độc nhất”.

3. Trong bài thơ “Thiên nhiên” viết bằng tiếng Pháp, Nguyễn Văn Quỳ tự hỏi: “Tôi biết làm gì đây để cũng làm dịu đi một vài nỗi đau của đồng loại/ Tôi biết làm gì đây để xóa đi đôi chút nguyên nhân của những buồn phiền”. Và có lẽ đấy là mục đích để những dòng nhạc của ông tuôn chảy, những giai điệu buồn da diết nhưng không làm người nghe cảm thấy tuyệt vọng và tàn lụi ước mơ. Nó đưa ta chìm xuống đáy nỗi buồn để rồi tìm thấy ánh sáng lóe lên qua những nét nhạc dịu êm như lời an ủi, như bàn tay nhẹ nhàng ve vuốt. Nếu có rơi nước mắt khi nghe những chương hai sonata của ông, thì đó cũng chưa hẳn là nước mắt của đau buồn, bởi niềm vui vẫn cứ lấp lánh đằng sau những thanh âm ảo diệu, làm lòng người đắm say, ngây ngất.

Nỗi buồn thấm đẫm trong hầu hết các tác phẩm của Nguyễn Văn Quỳ, cũng như cuộc đời của chính ông. Những bất hạnh đeo đẳng ông suốt thời niên thiếu và cả năm tháng sau này. Ông sống cô đơn ngay giữa những người thân thiết, cô đơn vì không ai hiểu được tình yêu thánh thiện mà ông dành cho âm nhạc. Đau đớn hơn, ông buộc phải rời xa người bạn gần gũi nhất - cây dương cầm đã đi theo ông quá nửa đời người - vì chứng run tay khiến ông không còn chạm được vào những phím đàn, thậm chí còn không thể cầm bút viết. Dường như bất hạnh cũng là một điểm tương đồng nữa giữa ông với Beethoven. Nguyễn Văn Quỳ tiếp tục sáng tác qua đôi tay “đi mượn”. Những bản sonata tiếp theo ra đời, dù buồn đau nhưng không bao giờ bi lụy. Vượt lên những nỗi bất hạnh để tiếp tục sống và dâng hiến cho đời, đấy là nhân cách của một tài năng lớn.


Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ cùng nữ nghệ sĩ người Pháp Isabelle Durin tại căn nhà của ông

4. Nhưng nỗi buồn trong nhạc Nguyễn Văn Quỳ còn mang một triết lý sâu xa: Ông tin những bản nhạc buồn mang đến cho con người niềm an ủi, hơn thế, nó lại có khả năng bồi đắp cho con người tình yêu thương, lòng nhân hậu và cả nỗi căm giận những nguyên nhân gây ra bất hạnh. Ông viết trong ca khúc “Bóng chiều”: “Đời càng nhiều nỗi đau buồn, lòng càng yêu thương thiết tha”. Với ông, nhạc cổ điển luôn có tác dụng diệu kỳ, nó khiến tâm hồn con người đẹp hơn lên. Nó tạo nên một không gian để ươm những mầm lương thiện và đánh thức những vẻ đẹp nguyên sơ trong mỗi con người. 

Thế nên ông đau khi đối mặt với một thị hiếu âm nhạc què cụt và rách rưới của không ít người trẻ hiện nay, với những tiếng nhạc giật cục, uỳnh oàng và ca từ vô nghĩa mà nhiều người đã phải gọi là “thảm họa về âm nhạc”. Nhưng trong nỗi đau đó, ông không tuyệt vọng. Ông vẫn tin rằng có thể đưa nhạc cổ điển đến với người nghe. Khi đã tạo nên được một lý tưởng thẩm mỹ, người ta sẽ tự nhiên đến với những giá trị đích thực, và có được chất “kháng thể” trong tâm hồn để chống lại những thứ không đáng được gọi là âm nhạc. 

5. Ông tự nhận mình là “Người độc hành trên con đường gian khó”. Trước khi trở thành một nhà soạn nhạc, Nguyễn Văn Quỳ từng viết hợp xướng, ca khúc, nhưng rồi ông nhanh chóng chuyển ngoặt sang âm nhạc dành cho nhạc cụ - sonata. Đó là con đường không ai dám chọn, bởi quá nhiều chông gai. Khi trao cho ông giải thưởng Văn hóa di sản Patrimoenia 2009, chính Đại sứ Thụy Sỹ đã nói: Giải di sản năm 2009 không có nghĩa là trước đó đã có và sau này sẽ có. Đến thế kỷ 20 không ai còn sáng tác nhạc cổ điển, dù là ở Việt Nam hay trên thế giới. Ngay trong chương trình hòa nhạc được tổ chức ở Nhà hát Lớn năm 2004, người ta chỉ thấy cái tên Nguyễn Văn Quỳ đứng bên cạnh những nhà soạn nhạc của thế kỷ 18, 19 như Camille Saint-Saens, Cesar Franck hay Jules Massenet, Lalo. 

Vậy mà giờ ở Việt Nam ít ai biết đến tác phẩm của ông, nhất là khi người ta không còn phát trên đài như hồi cuối thế kỷ trước. Chợt đau lòng khi nghĩ tới rồi một mai ông trăm tuổi, ai sẽ là người thừa kế gia tài đó, khi mà con trai ông lẫn những người học trò đều không thể tiếp bước độc hành. “Đấy là định mệnh”, ông nói. Nhưng ông không thất vọng, cũng như ông chưa bao giờ thất vọng vì không có được một chỗ đứng xứng đáng với tài năng của mình. Khi còn một người nghe và thích, thì những sáng tác của ông sẽ còn mãi với thời gian. Đấy mới là sự trả công xứng đáng cho người nghệ sỹ tột bậc tài năng.