“Bẫy chùm” của tội phạm gốc Phi

ANTĐ - Vờ tán tỉnh, yêu đương, những ông trùm ma túy gốc Phi đã và đang dụ dỗ, lôi kéo nhiều phụ nữ Việt Nam và phụ nữ một số nước trong khu vực Đông Nam Á “nhập hội”.

“Bẫy chùm” của tội phạm gốc Phi ảnh 1
Ma túy được đóng sẵn trong vali 2 đáy, rất khó phát hiện

Những “cánh hồng” nhẹ dạ

Theo một báo cáo của Cục CSĐT tội phạm về ma túy - Bộ Công an, từ đầu năm 2009 đến nay, tình hình người Việt Nam vận chuyển ma túy bị lực lượng chức năng các nước như: Trung Quốc, Malaysia, Indonesia… bắt giữ đang có chiều hướng gia tăng. Số này chủ yếu là nữ giới, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đứng sau điều hành họ là số đối tượng giấu mặt gốc Phi.

Điển hình, ngày 26-6-2011, tại sân bay Penang (Malaysia), lực lượng chức năng nước sở tại đã bắt quả tang Nguyễn Thanh Ngọc Tuyết (SN 1988), trú ở quận 4 - TP.HCM, có hành vi vận chuyển trái phép 2,7kg Methamphetamine (ma túy dạng đá), trị giá khoảng 225.000 USD, khi nhập cảnh vào nước này trên chuyến bay Utopia (Brazil) - Mumbai (ấn Độ) - Penang (Malaysia). “Khai báo với lực lượng chức năng Malaysia, Tuyết nói không biết mình vận chuyển trái phép ma túy. Tuy vậy, theo Luật Phòng chống ma túy nước này, nhiều khả năng Tuyết sẽ phải chịu mức án cao nhất” - đại diện cơ quan công an nhận định. Giống như Tuyết là trường hợp của Lê Thị Kim Huệ (SN 1956) và Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, cùng trú ở TP.HCM. Hai phụ nữ Việt Nam này bị lực lượng chức năng Indonesia phát hiện, bắt quả tang vận chuyển trái phép trên 2kg ma túy dạng đá khi nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay Adisucipto (Yogyakarta, Indonesia).  

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với nhiều cô gái trẻ hám lợi ở một số nước trong khu vực. Theo ghi nhận của PV ANTĐ, trong tháng 4-2012, lực lượng Hải quan, Đồn công an cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đã phát hiện, bắt quả tang tới 3 vụ, 5 đối tượng nữ, quốc tịch Thái Lan, Indonesia, Philippines nhập cảnh vào Việt Nam, mang theo trên 20kg ma túy dạng đá. Lời khai của những người này cho thấy, họ bị một số đối tượng người gốc Phi điều hành, lợi dụng, dụ dỗ vận chuyển ma túy thuê từ nước ngoài vào Việt Nam tiêu thụ, hoặc sang một nước thứ 3. Một cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy CATP Hà Nội cho hay: “Những người bị bắt có một điểm chung là không hề biết nhân thân, lai lịch số đối tượng gửi “hàng”, nên rất khó chứng minh họ vô tội”.

Nhận diện chiêu trò

Thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy gốc Phi là tìm cách tiếp cận những phụ nữ nghèo, thiếu hiểu biết pháp luật, hám lợi trước mắt, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam để lợi dụng. Đại diện Cục Nghiệp vụ Bộ Công an cho biết: Trước khi thực hiện hành vi phạm tội, các ông trùm ma túy gốc Phi đã chuẩn bị sẵn những “kịch bản” để lấy lòng phụ nữ bản địa, thậm chí vờ yêu, hỏi cưới họ, hứa hẹn cho họ một cuộc sống xa hoa. Thế nhưng chỉ sau một thời gian mặn nồng, chiếm được lòng tin của “con mồi”, các đối tượng bắt đầu “khai thác” chính vợ mới cưới, hoặc thông qua họ tiếp cận những phụ nữ nghèo khác, thuê vận chuyển ma túy cho chúng từ Việt Nam ra nước ngoài, hoặc ngược lại. Số đối tượng này cũng có thể vào vai những doanh nhân thành đạt, mở công ty tại Việt Nam để tuyển dụng lao động nữ làm việc cho mình. Chiêu trò của chúng có thể là  thưởng cho công nhân đi du lịch, hoặc cử họ đi công tác nước ngoài nhận “hàng mẫu”, nhưng thực chất là “xách” ma túy cho chúng đến một số nước trong khu vực châu Á, châu Phi. Chỉ đến khi bị phát hiện, bắt giữ những người này mới biết mình bị lừa.

Nạn nhân mới đây nhất của những ông trùm ma túy gốc Phi là Ana Safitri (SN 1986), quốc tịch         Indonesia. Ana Safitri bị bắt giữ cùng 1,5kg ma túy dạng đá, khi nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài ngày 25-4 vừa qua. Theo lời khai của Ana Safitri, thông qua một người bạn, cô quen một đối tượng gốc Phi tên Kris. Biết Ana Safitri đang cần tiền nên người này thuê cô sang Niger (châu Phi), mang một chiếc vali rỗng về Việt Nam. “Khi gặp đối tượng gốc Phi ở Niger nhận vali, tôi có hỏi trong vali chứa gì thì đối tượng này bảo không cần biết, cứ vận chuyển về Việt Nam, thuê khách sạn ở sẽ có người liên lạc” - Ana Safitri khai báo tại cơ quan công an. Chiếc vali chứa 1,5kg ma túy được ngụy trang tinh vi, “bay” qua nhiều nước, chỉ khi về đến Việt Nam mới bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện.

Một cán bộ Cục CSĐT tội phạm về ma túy - Bộ Công an nhận định: Sau một thời gian tạm lắng, tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép ma túy số lượng lớn theo đường hàng không, do các đối tượng gốc Phi cầm đầu đang “nóng” trở lại. Để tránh bị mất “hàng”, ngoài việc kỳ công cất giấu kỹ lưỡng, tội phạm ma túy còn sắm cả máy soi hành lý để tự kiểm tra việc ngụy trang. Đây là một trong những lý do khiến nhiều phụ nữ vận chuyển ma túy thuê không hề hay biết mình phạm tội, bởi “hàng” đã “qua mặt” các máy soi an ninh và chuyển trót lọt lên máy bay. Trước tình hình trên, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, tập trung điều tra, bóc gỡ những đường dây vận chuyển ma túy do đối tượng gốc Phi cầu đầu, đồng thời tích cực tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động để người dân chủ động phòng ngừa.