Báu vật làng Chàng Sơn

ANTD.VN - Cách nội thành chừng 30km, vùng đất nổi tiếng với di tích chùa Tây Phương là minh chứng cho giá trị “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.

Làng thuộc xã Chàng Sơn, nguyên tên Nôm xưa là làng Chàng, được cho bắt nguồn từ tên một dụng cụ làm mộc cổ là đục Chàng Chảy. Về sau, làng được gọi theo âm Hán Việt là Chàng Thôn, rồi biến âm thành Chàng Sơn như ngày nay.

Theo các nghệ nhân nghề mộc, làng Chàng được lập từ thời kỳ Hùng Vương, căn cứ vào truyền thuyết một người thợ mộc tên là Sần ở làng Chàng từng dẫn một đoàn thợ mộc lên núi Ba Vì để làm đền, đài cho thánh Tản Viên, con rể của vua Hùng Vương thứ 18 (tức Hùng Duệ Vương). Theo thuyết này thì làng Chàng đã có từ cách nay khoảng 2.300-2.500 năm. Câu chuyện cụ Phó Sần từng được nhà văn Nguyễn Tuân đề cập trong tác phẩm “Vang bóng một thời”. Dân làng Chàng thờ thánh Tản Viên làm thành Hoàng và dâng hương tưởng nhớ công ơn vào ngày 18 tháng 8 âm lịch hàng năm.

Đường làng Chàng Sơn nhiều đời vẫn nhỏ, chỉ vừa cái xe bò kéo, phương tiện chủ yếu ngày xưa các cụ chuyển đồ mộc, nhiều đoạn đường còn lát gạch đỏ vỉa nghiêng, hai bên tường các căn nhà cổ rêu phong phủ kín. Đường đan nhau chằng chịt, đi lại phải có người làng dẫn lối nếu không muốn bị lạc, đôi chỗ tưởng chừng sắp ra đường lớn lại đi thẳng vào xưởng mộc của nhà dân. 

Không gian luôn vang lên tiếng cưa, tiếng đục, tiếng bào nghe vui tai, hương gỗ thoảng thơm, thợ nhiều năm trong nghề chỉ cần ngửi mùi gỗ là đoán được gỗ gì, bao nhiêu tuổi. Khoảng không gian lớn có lẽ là khu đình làng và khu chợ tập trung. Sau này chính quyền xã mới mở rộng khu giãn dân ra phía ruộng đằng sau trường Tiểu học Chàng Sơn, gọi là xóm mới, người làng có điều kiện mở xưởng mộc, đầu tư máy móc phát triển quy mô hơn.

Cạnh tranh với hàng nhập ngoại

Về làng Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội vào những ngày cuối năm, đường làng lúc nào cũng đông vui, nhộn nhịp. Từng chiếc xe tải, xe ba gác nối đuôi nhau đi về hướng nội thành, chở đầy đồ nội thất sơn bóng loáng và thoang thoảng mùi hương gỗ. 

Anh Lê Văn Tân, 43 tuổi, sống ở xóm mới làm nghề mộc theo truyền thống gia đình kể: “Trước đây các cụ trong làng làm tất cả các công đoạn để cho ra một sản phẩm mộc từ xẻ, phay, bào, đục mộng, ghép ván và chạm hoa văn trang trí, đánh ráp, làm màu, hoàn toàn thủ công không có máy móc gì. Gia đình tôi từ đời ông vẫn làm nghề chạm, nhưng đến nay người làng đã chuyên môn hoá, mỗi xưởng chọn một khâu làm ra sản phẩm, vừa hạ giá thành vừa giảm bớt thời gian, công sức”. Anh Tân mở xưởng chuyên về gỗ công nghiệp nội thất. Anh cho biết bây giờ thanh niên làng nghề nhanh nhạy với thị trường, học cách đọc bản vẽ kỹ thuật, hợp tác với các công ty kiến trúc ngoài Hà Nội, nhận đóng sản phẩm qua bản vẽ và lắp đặt ngay tại công trình.    

Anh Thắng trong xóm chợ đầu tư mua máy cưa lớn chuyên nhận vanh (cưa tạo hình) các đường cong  tay ghế, tựa lưng sopha hay chân bàn có hình thức phức tạp mà trước đây làm thủ công phải mất rất nhiều công. Xưởng anh Hùng chuyên xẻ, tẩm sấy, cung cấp gỗ nguyên liệu cho các xưởng bạn đóng đồ. Thợ trẻ làng Chàng Sơn biết học hỏi và tận dụng công nghệ vào phát triển nghề mộc, các sản phẩm có mẫu mã hiện đại bắt kịp thị hiếu và phong cách đồ gỗ một số nước phương Tây. 

Nhưng đáng quý vẫn là những xưởng làm ra các sản phẩm đục, chạm tinh xảo truyền thống như xưởng của anh Nguyễn Văn Giang. Anh Giang cho biết giữ nghề như xưởng anh rất khó, vì đục và chạm gỗ đòi hỏi người thợ có tính kiên trì, khéo léo, tư duy hình khối. Đây là công việc mang tính sáng tạo nghệ thuật, một số sinh viên các trường mỹ thuật cũng thường xuyên đến xưởng để học hỏi kinh nghiệm và ghi chép phương pháp, lưu giữ các mẫu hoa văn cổ.

Báu vật làng Chàng Sơn ảnh 2Những bàn tay khéo léo góp phần lưu giữ nghề cổ ở Chàng Sơn

Tồn tại với thời gian

Làng Chàng Sơn chỉ còn vài xưởng làm nghề đục, chủ yếu cha ông truyền lại cho con cháu, phải mất từ 10-15 năm người thợ mới có thể đục được các loại hoa văn khó, nhiều đường nét. Thông thường, từ khi còn nhỏ các em đã cầm đục, chạm tập tành theo người lớn, phải tích lũy kinh nghiệm hàng chục năm, đến lúc trưởng thành mới tự tin nhận các sản phẩm có họa tiết phức tạp.

Chạm khắc có ở nhiều làng nghề trên khắp cả nước nhưng có lẽ chỉ ở Chàng Sơn mới có đục Chàng Chảy. Chàng Chảy hình dạng khác với những chiếc đục thông thường. Trong chạm khắc hoa văn gỗ, chiếc đục Chàng Chảy là dụng cụ được người thợ tạo đường nét đầu tiên của hoa văn, cũng giống như người họa sỹ dùng bút chì để phác thảo những nét vẽ đầu tiên. 

Làng Chàng Sơn chỉ còn vài xưởng làm nghề đục, chủ yếu cha ông truyền lại cho con cháu, phải mất từ 10-15 năm người thợ mới có thể đục được các loại hoa văn khó, nhiều đường nét

Ưu điểm của dụng cụ này là cho ra đường nét gọn, tinh tế và mềm mại nhưng mất nhiều thời gian và khó sử dụng, đòi hỏi phải có tay nghề cao. Để thành thạo cách dùng đục thường phải học và làm trong 3 năm. Sử dụng Chàng Chảy không hề đơn giản, từ việc phân bố lực gõ đến cách cầm đục đều rất khác biệt. Thao tác sử dụng chiếc đục cổ Chàng Chảy trong các công đoạn khá độc đáo, khác với chiếc đục chạm khắc khác. Chàng Chảy nằm theo chiều nghiêng, chuyển động của đục gần giống theo kiểu “chiếc bập bênh”, dùi đục đánh vào chuôi đục và mũi đục được “chảy” đi.

Để minh chứng cho điều đặc biệt của cái Chàng Chảy có thể tạo ra các sản phẩm tồn tại hàng trăm năm vẫn còn nguyên giá trị nghệ thuật đến tận ngày nay, có thể kể đến kiến trúc chùa Tây Phương, Văn Miếu - Quốc Tử Giám hay kiến trúc đình làng Chàng Sơn nơi có các đầu bẩy, các bức cổn, xà nách, ván long… đều chạm trổ đề tài trang trí quen thuộc của dân tộc như lá dâu, lá đề, hoa sen, hoa cúc, rồng, phượng, hổ phù… rất tinh xảo.

Chàng Sơn hôm nay vẫn nổi tiếng khắp Xứ Đoài xưa bởi nghề mộc. Nối tiếp truyền thống, những người con nơi đây luôn mang những kiến thức mới về góp phần giữ gìn và xây dựng thương hiệu riêng cho quê hương. Đáng quý nhất là lớp thế hệ thợ trẻ luôn cố gắng giữ được những giá trị cổ đang bị lãng quên trong xu thế công nghiệp hiện đại. Nhưng cũng chính nhờ vậy, sản phẩm mộc mỹ nghệ của làng đã đi khắp mọi miền đất nước và đến cả với bạn bè quốc tế.