Bất ổn ở Quảng Đông, Trung Quốc

ANTĐ - Biểu tình ở một thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông – khu vực phát triển hàng đầu ở Trung Quốc đã biến thành bạo động khi những bất bình về chuyện đền bù đất đai của người dân lên tới đỉnh điểm.

                        Cảnh sát chống bạo động ở Lục Phong, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

Ngày 23-9, hàng trăm người tiếp tục bao vây trụ sở công quyền của thành phố Lục Phong, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc để phản đối việc bán đất đai cho xây dựng khu công nghiệp và nhà giá cao. Người biểu tình đã giơ các khẩu hiệu “Trả đất trồng trọt cho chúng tôi”, “Hãy để chúng tôi tiếp tục làm ruộng”, Reuters đưa tin.
Tờ South China Morning Post (Hồng Kông) cho biết, hàng trăm người tại thành phố Lục Phong đã biểu tình tại các cơ quan đầu não chính quyền từ hôm 21-9, để phản đối việc chính quyền bán đất cho Công ty bất động sản Country Garden với giá khoảng 156,6 triệu USD.
Trong khi đó, người dân bất bình vì số tiền đền bù quá thấp, thực tế chỉ đủ mua một chiếc giường mới. Đây là cuộc chiến “đòi đất” âm ỉ đã lâu khi cư dân địa phương nói vùng đất đó do cha ông họ khai hoang.
Chính quyền địa phương vốn sở hữu toàn bộ đất đai của Trung Quốc thường duy trì ngân quỹ hoạt động của mình bằng việc cho thuê đất đai dài hạn. Trong rất nhiều trường hợp, các công ty bất động sản tư nhân đã câu kết với quan chức giải phóng mặt bằng để phát triển dự án càng nhanh càng tốt.
Biểu tình ở Lục Phong đã biến thành bạo động khi những người dân quá khích đập phá 6 xe hơi, tấn công cảnh sát, tấn công một văn phòng chính quyền địa phương, một nhà hàng và một xí nghiệp may mặc. Bạo lực leo thang khi chiều 22-9, có tin đồn cảnh sát đánh chết một em bé. Riêng đêm 22-9, khoảng 12 cảnh sát bị thương. Đã có 4 người bị bắt vì tổ chức biểu tình hôm 21-9.
Đây là bất ổn mới nhất ở Trung Quốc nổ ra khi bức xúc của người dân lên đến đỉnh điểm, thường liên quan đến thu hồi đất đai trái phép hoặc quá bất công trong chuyện đền bù đất, liên quan đến hành vi sai trái của cảnh sát hay do ô nhiễm môi trường.
Tuần trước, hàng trăm người phản đối việc gây ô nhiễm môi trường của công ty sản xuất tấm năng lượng ở tỉnh Chiết Giang đã tràn vào nhà máy, phá hủy xe cộ và thiết bị văn phòng. Nhiều tuần trước nữa, 12.000 người tuần hành tại thành phố Đại Liên đòi đóng cửa một nhà máy hóa chất.
Liên quan đến lĩnh vực môi trường, cũng hôm qua 23-9, Thượng Hải đã đóng cửa các nhà máy sản xuất bình ắc-quy chì tại thành phố này do gây ô nhiễm môi trường. Thông báo này được đưa ra sau khi truyền thông địa phương đưa tin 32 trẻ em sống gần 2 nhà máy có sử dụng chì trong sản xuất, được phát hiện có lượng chì quá mức trong máu, 15 em đã phải điều trị tại bệnh viện.
Trong một thông cáo, Cơ quan Bảo vệ môi trường Thượng Hải ngày 23-9 cho biết, 14 trong tổng số 17 nhà máy đóng cửa để “sửa chữa” và không cung cấp thêm thông tin chi tiết hơn. Trong khi đó, trao đổi với hãng AFP, Tập đoàn Johnson Controls cho biết, việc đóng cửa công ty tại Thượng Hải kéo dài cho đến cuối năm nay.
Được biết, mức độ chì trong máu vượt quá giới hạn được coi là rất độc hại, đặc biệt là đối với trẻ em, vì nó có thể dẫn tới ức chế tăng trưởng và chậm phát triển trí tuệ.