Bát nháo chốn cửa thiền

ANTĐ - “Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ, trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”, câu ca dao xưa đã phần nào cho thấy sức hấp dẫn của chùa Thầy với du khách thập phương. Nhưng thời gian gần đây, nhắc đến chùa Thầy là hãi hùng với cảnh chặt chém, cảnh “hành” khách ở nơi đây… 

Bát nháo chốn cửa thiền ảnh 1
Hang Cắc Cớ nổi tiếng trên núi Thầy giờ mất đi cảnh yên bình

Lừa đơn, lừa kép

Còn gần nửa tháng nữa mới tới hội chùa Thầy - Quốc Oai, nhưng từ sau Tết Nguyên đán, hàng rong, điểm trông giữ xe tự phát đã mọc lên nhan nhản. Nhiều nhà dân ở quanh khu vực chùa không bỏ qua cơ hội kiếm tiền, nhà thì kinh doanh trông giữ xe, nhà lại mở hàng quán để phục vụ du khách. Quanh chùa Thầy nhan nhản các điểm trông giữ xe, mỗi khi thấy có người lạ đi xe qua có tới 4, 5 người nhao ra chèo kéo. Chưa vào hội, đường vắng, nhưng chúng tôi phải vất vả mới đến được cổng đền Trình vì sự đeo bám thái quá của các hộ kinh doanh.

Khi chọn điểm gửi xe ngay cổng lớn, chị ghi vé yêu cầu tôi trả 10.000 đồng. Tấm vé gửi xe được ghi trên mặt sau của vé gửi xe ô tô với mệnh giá tương đương. Vừa thanh toán tiền gửi xe, một thanh niên lập tức kéo tôi tiến vào phía đền Trình và tự giới thiệu là “người của nhà chùa”, có trách nhiệm “hướng dẫn du khách tham quan chùa”. Lấy ra cành củi khô mốc meo, anh ta nhanh nhảu đưa chúng tôi vào gian nhà ngang của đền Trình. Như một chiếc máy ghi âm anh vanh vách kể lại lịch sử ngôi chùa và phác qua vài địa điểm trên tấm sơ đồ tổng thể chùa Thầy. Nói đoạn, anh bắt đầu chen vào những lời quảng cáo: “Ngày xưa, thiền sư Từ Đạo Hạnh đã về tu tại đây và dạy dân làng cách đánh vật, dệt lụa và đặc biệt nhất là làm chè Lam…”.

Đang thao thao bất tuyệt về vị thiền sư nổi tiếng thời Lý, anh chuyển qua ngay giới thiệu sản phẩm: “Bởi vậy chè Lam ở đây có một hương vị thật đặc biệt, với công thức bí truyền cả nghìn năm nay. Hôm nay, nhà chùa xin giới thiệu với quý vị sản phẩm chè Lam đặc sản, mua để ủng hộ cho chùa”. Ngay lập tức, anh bóc gói bánh, xấp tiền vàng, thẻ hương, cho vào khay nhựa rồi đưa cho chúng tôi với giá 100.000 đồng. Ra tới ngoài cổng, một người đi lễ mới cho tôi biết, bị lừa như vậy còn may, chứ vào đúng hội giá một mâm lễ đền Trình phải gấp 3, gấp 4 lần. Vị khách tốt bụng còn cẩn thận dặn dò, đã làm lễ trình rồi thì thôi, Phật với Thánh cũng chứng cho rồi, đừng quay lại mà phải mua thêm chỗ lễ tạ còn đắt gấp mấy lần. 

Những dịch vụ tự phát

Trong tâm trạng bức xúc vì bị lừa nơi cửa Phật, tôi ra mua vé vào tham quan chùa thì gặp một người đàn ông trung niên đang giải thích rằng ông đi cùng cả đoàn nhưng bị tụt lại phía sau, người trưởng đoàn đã mua vé hiện đang tham quan ở trong nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời: “Tôi có thấy bác đi chung vào trong, nhưng đã đi ra ngoài thì phải mua vé thêm một lần nữa”. Một hồi lâu sau, chẳng biết có phải mua vé lại hay không nhưng người đàn ông này phải bơ phờ mới vào được phía trong. Hỏi ra tôi mới biết, ở đây còn có một dịch vụ khác là dẫn đường tham quan cho du khách. Dọc từ phía hồ Long Trì sang đến Nguyệt Tiên kiều để bắt đầu lên núi là một dãy hàng quán, thậm chí ngay trên thành cầu, một số hộ dân còn trải chiếu, kinh doanh chỗ nghỉ ngơi. Con đường lên núi Thầy cheo leo, dựng đứng như thử thách khách thập phương đi vãn cảnh chùa. Ấy vậy mà cứ mỗi điểm dừng chân lại thấy vài chị đon đả ra tư vấn du lịch, hướng dẫn thăm hang Cắc Cớ. Ở đây có sẵn chỗ nghỉ chân, giải khát, cho thuê dép lê, đèn pin. Giá thuê dép là 2.000 đồng còn đèn pin là 5.000 đồng, nhưng thuê “hướng dẫn viên bản địa” thì…  vô cùng. Nếu không “làm giá” trước chắc chắn sẽ bị các hướng dẫn viên này “chém đẹp”. 

Cặm cụi leo lên hơn 251 bậc đá, chúng tôi cũng tới được hang Cắc Cớ. Ngay ở cửa hang, chúng tôi gặp một nữ du khách đến từ Huế. Qua đôi ba câu tâm sự tôi mới được biết, năm trước chị đã tới chùa Thầy, đã đi hết mọi điểm nhưng vẫn chưa vào được hang Cắc Cớ chỉ vì 1.000 đồng. Chị kể lại, khi đến cửa hang, chị được một bác ở ngay cửa hang yêu cầu phải thuê đèn pin. Vì đã có đèn nên chị không thuê thì gặp ngay sự phản ứng của người bảo vệ này. Ông thẳng thừng tuyên bố, không thuê đèn thì phải trả 1.000 đồng phí tham quan.

Cãi nhau một hồi vì bị chèn ép quá đáng, người đàn ông nhất quyết không cho chị vào hang. Năm nay chị quay lại và quả quyết, nếu lần này còn không cho vào nữa thì chị sẽ chấp nhận bỏ 1.000 đồng để bõ công đi cả chặng đường dài từ Huế ra.  Vào đến trong hang tưởng được yên tĩnh đôi chút thì lại nghe mấy tiếng râm ran nói chuyện của mấy vị “hướng dẫn viên bản địa”. Lâu lâu lại thấy ánh lửa đốt hương, hóa vàng sáng lóa lên ở một góc động kèm theo những lời giải thích, đây là nhũ đá hình quả đu đủ ngược, anh, chị sờ nhiều vào để cả gia đình được no đủ, kế đến là dê thần rồi bầu vú cô. Hình như họ quên mất nội quy treo ngay ở cửa hang: Cấm đốt vàng mã trong hang. Cứ thế người hướng dẫn viên thao thao về các hình thù trong hang, với cách giải thích ngô nghê hoặc đầy tính truyền khẩu dân gian. 

Rời hang Cắc Cớ, rời chùa Thầy, tôi vẫn nghĩ mãi về câu chuyện của vị khách du lịch người Huế. Nếu là chị, chắc tôi sẽ trả 1.000 đồng để đỡ phí công, tốn sức leo 251 bậc đá kia. Nhưng, còn những khách du lịch khác, nếu gặp phải trường hợp như thế, mấy ai sẽ quay lại nơi đây như chị.