- Việt Nam trong nhóm tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới
- Kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á
- Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022
Xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 tăng trưởng tích cực |
Mức tăng trưởng ngoạn mục trong quý II-2022
Trong buổi công bố Báo cáo điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam (ấn phẩm tháng 8-2022), Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam đã tăng tốc trong 6 tháng vừa qua. Theo báo cáo, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,2% trong quý IV-2021; 5,1% trong quý I-2022 và 7,7% trong quý II-2022.
Trước đó, VinaCapital - một trong những công ty quản lý đầu tư và phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 7,5% trong năm 2022. Theo VinaCapital, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng đáng kinh ngạc 10% trong quý III-2022, tăng trưởng thu nhập sẽ vượt 20% trong năm nay. VinaCapital khẳng định, dự báo của công ty dựa trên kết quả kinh tế vững chắc của Việt Nam, trái ngược hoàn toàn với thị trường chứng khoán Mỹ, nơi mà kỳ vọng tăng trưởng có vẻ cao không thực tế.
Đánh giá mức tăng trưởng 7,7% của Việt Nam trong quý II so với cùng kỳ 2021 là ngoạn mục, vượt xa con số dự báo 5,9% của các tổ chức nghiên cứu đưa ra trước đó, Ngân hàng HSBC đã nâng dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay từ 6,6% lên 6,9%, có khả năng đứng đầu toàn khu vực ASEAN. HSBC cho rằng ngoài ngành dịch vụ hồi phục ấn tượng sau giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19, ngành sản xuất cũng giữ đà tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu đạt đỉnh lịch sử.
Theo các con số thống kê chính thức, 7 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam tiếp tục phục hồi trên nhiều lĩnh vực. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1%. Cán cân thương mại ước tính xuất siêu 764 triệu USD (cùng kỳ năm 2021 nhập siêu 3,31 tỷ USD). Bình quân 7 tháng năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt gần 15,54 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn thực hiện ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2%. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống 3,2%, so với mức dự báo 3,6% mà tổ chức này đã đưa ra hồi tháng 4-2022, đồng thời cảnh báo những rủi ro do lạm phát leo thang và cuộc xung đột ở Ukraine có thể đẩy nền kinh tế thế giới tới bờ vực suy thoái.
Về nguyên nhân, các nhà phân tích cho rằng kinh tế Việt Nam phát triển khả quan nhờ khu vực chế tạo chế biến đứng vững và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ. Sau khi Việt Nam từng bước dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 vào cuối năm 2021, các ngành công nghiệp và nhà máy trong nước đã khôi phục hoàn toàn hoạt động sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam phục hồi mạnh mẽ. Kết quả đó đã giúp Việt Nam nổi lên như một trong những điểm đến thay thế đối với đầu tư nước ngoài trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu bị gián đoạn do lệnh phong tỏa để phòng dịch Covid-19 của Trung Quốc, xung đột tại Ukraine và căng thẳng kéo dài giữa Bắc Kinh và Washington.
Một lĩnh vực khác cũng góp phần vào tăng trưởng của Việt Nam là bán lẻ. Trong nửa đầu năm nay, doanh số bán lẻ thực tế của Việt Nam (tức là đã loại trừ tác động của lạm phát) tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước; trong 7 tháng tính từ đầu năm nay là 11,9%, cao hơn nhiều so với với dự báo trước đó. Người tiêu dùng đang tích cực “thỏa mãn” những nhu cầu dồn nén trước đó do Covid-19 và điều này cho thấy tiêu dùng nội địa ở Việt Nam đang là động lực tăng trưởng kinh tế chính của đất nước.
Triển vọng phục hồi mạnh mẽ
Những tín hiệu tích cực của kinh tế Việt Nam xuất phát từ nỗ lực điều hành và thực hiện các nhiệm vụ của chính phủ và các cấp, các ngành ngay từ những ngày đầu của năm 2022. Để thực hiện các chỉ tiêu đề ra trong năm 2022, Chính phủ đã đưa ra 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, quan trọng nhất là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo cách phù hợp, khả thi; điều chỉnh linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác để vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Đi vào cụ thể, có thể thấy chính sách ứng phó với đại dịch Covid-19 của Việt Nam là hiệu quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam đã linh hoạt chuyển đổi phương thức phòng, chống dịch theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả” và tiêm chủng vaccine thần tốc. Nhờ đó, số ca nhiễm bệnh và số ca tử vong ngày càng giảm, tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Đây là nền tảng căn bản cho duy trì sự ổn định xã hội, tâm lý người dân, các hoạt động kinh tế quay trở về trạng thái bình thường, ổn định và phát triển.
Việt Nam cũng đã có quyết sách mở cửa kịp thời nhằm giải quyết những tồn đọng của nền kinh tế do đại dịch, tận dụng lợi thế và tìm kiếm cơ hội phát triển cho nền kinh tế sau 2 năm bị phong tỏa. Việc dỡ bỏ các hạn chế để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong nước, mở cửa biên giới và mở lại các hoạt động du lịch quốc tế đã tạo ra sức sống mới trong lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam. Hoạt động thương mại, dịch vụ phục hồi mạnh, nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất tăng, nhu cầu du lịch, đi lại của người dân tăng mạnh; khách quốc tế đến Việt Nam cũng tăng cao. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng cao.
Các yếu tố cơ bản của nền kinh tế được duy trì vững chắc đã giúp tạo ra một thị trường tiêu thụ nội địa lớn và hấp dẫn. Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn khi đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng liên tục trên 12% trong 10 năm trở lại đây, dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất lớn trong khu vực.
Điều đó tạo cơ sở để các tổ chức tín dụng quốc tế kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì tin rằng GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023. Còn theo Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3, tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam sẽ đạt 6,5%, cùng với Philippines dẫn đầu tăng trưởng khu vực ASEAN. Ngân hàng thế giới (WB) tỏ ra lạc quan nhất khi cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 sẽ là 7,5%.