Bất chấp Covid-19, Việt Nam vẫn xuất siêu kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, năm 2020, Việt Nam ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục là 19,1 tỷ USD, cao gấp 9 lần năm 2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả ngành Công Thương đạt được trong năm 2020

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả ngành Công Thương đạt được trong năm 2020

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai niệm vụ năm 2021 của ngành Công Thương diễn ra ngày 7/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2020, thế giới và Việt Nam đối mặt với vô vàn khó khăn, chủ yếu là do đại dịch Covid-19 gây ra.

Tuy nhiên, kết thúc năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu được 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

“Việt Nam xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại. Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp tiếp tục vươn lên, vượt qua khó khăn trong bối cảnh đứt gãy các chuỗi cung ứng. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36%, tăng cao hơn so tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức cao 5,82%, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế;

Hoạt động hội nhập quốc tế không những được duy trì trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu mà còn được thúc đẩy với nhiều phương thức mới và sáng kiến mới của Việt Nam được quốc tế và khu vực đồng thuận, đánh giá cao. Công tác đàm phán, ký kết và triển khai thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đạt được kết quả quan trọng, đặc biệt là các Hiệp định như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA...

Thị trường trong nước ổn định, hàng giả, hàng nhái từng bước được ngăn chặn đẩy lùi. Đây là những tiền đề quan trọng để sang năm 2021, Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn, phấn đấu đạt các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả nổi bật ngành Công Thương đã đạt được trong năm 2020, đặc biệt là trên một số lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, cung ứng điện…

“Xuất khẩu vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng cao trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Trong khi xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

Năm 2020 xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục 19,1 tỷ USD. Mức xuất siêu năm 2020 cao hơn năm 2019 (10,87 tỷ USD), gấp hơn 9 lần so với năm 2017 (2,11 tỷ USD) và gấp gần 11 lần so với năm 2016 (1,78 tỷ USD)”- Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng ghi nhận và đánh giá cao ngành Công Thương trong việc tận dụng các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu đã được thực hiện hiệu quả hơn; bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, hàng hóa phòng chống dịch cho thị trường kể cả khi nhu cầu tăng cao trong giai đoạn cả nước tập trung chống dịch thực hiện giãn cách xã hội và trong các thời điểm xảy ra thiên tai lũ lụt;

Qua đó, tạo được niềm tin, sự an tâm của người dân đối với việc bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý ngành Công Thương cần khắc phục một số tồn tại như: xuất khẩu vẫn dựa mạnh vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI);

Trật tự thị trường mặc dù được tăng cường kiểm soát nhưng tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại (kể cả trên môi trường internet) vẫn còn diễn biến phức tạp;

Tính liên kết của doanh nghiệp trong nước còn thấp nên hiệu quả hoạt động chưa cao…

Thủ tướng cũng nêu lên 10 giải pháp để ngành Công Thương thực hiện trong năm 2021 nhằm đóng góp lớn hơn, hiệu quả hơn vào kinh tế- xã hội của đất nước.