“Bắt bệnh” qua dáng đi

ANTĐ - Từ sải chân, dáng đi, tốc độ đến tư thế đi lại thế nào cũng có thể bao hàm thông tin đáng ngạc nhiên về sức khỏe tổng thể của mỗi người. Dưới đây là những thông tin hữu ích để giúp chẩn đoán bệnh nếu cảm thấy dáng đi bất thường.


Tốc độ ốc sên - tuổi thọ ngắn hơn

Tốc độ đi bộ là dấu hiệu đáng tin cậy cho tuổi thọ, đó là kết quả một phân tích của trường Đại học Pittsburgh, Mỹ từ 9 nghiên cứu lớn được đưa ra trong số ra tháng 1-2011 của Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ. Theo đó, tốc độ đi bộ của 36.000 đối tượng đều trên 65 tuổi trung bình là 3,2km/h. Trong khi những người đi chậm hơn 2km/h tăng nguy cơ tử vong thì những ai đi bộ nhanh hơn 3,6km/h đã sống lâu hơn dự đoán. Mỗi người hãy tự kiểm nghiệm một tốc độ đi bộ tự nhiên dựa trên tình trạng tổng thể. Nếu tốc độ chậm thật, rất có thể một vấn đề sức khỏe nào đó đang cắt giảm tuổi thọ của bạn.


Vung tay ít - vấn đề vùng thắt lưng

Khi chân trái đưa về phía trước, cột sống vòng sang phải và cánh tay phải đưa về sau. Sự phối hợp cơ nhịp nhàng như vậy hỗ trợ cho vùng thắt lưng. Nếu ai đó đi bộ mà cánh tay không vung nhiều, đó là cảnh báo rằng cột sống không được hỗ trợ đúng mức, cũng có thể là do hạn chế về khả năng lưu động của lưng, cụ thể đau lưng hoặc một tổn thương nào đó.


Một chân táp mặt đất - Thoát vị đĩa đệm

Đôi khi các chuyên gia không cần phải nhìn mà chỉ nghe tiếng chân bước là đoán được bệnh. Đó là khi tiếng chân táp xuống đất do yếu cơ chày trước hoặc cơ xương mác. Thường thì một sải chân khỏe mạnh bắt đầu từ gót chân, sau đó bàn chân từ từ hạ thấp xuống mặt đất rồi tới ngón nhưng trường hợp trên, cơ không kiểm soát được nên thay vào từ từ đưa xuống thì chân "táp" mặt đất. Điều này có thể là một dấu hiệu liên quan đến đột quỵ hoặc nén dây thần kinh do thoát vị đĩa đệm.

Sải chân ngắn - thoái hóa hông hoặc đầu gối. Khi gót chân chạm đất, đầu gối thẳng ra, nếu không, có thể đặt ra nghi vấn liên quan đến khớp gối. Một nguyên nhân tương tự khiến sải chân ngắn lại là hông đang bị hạn chế, thiếu sự mở rộng cần thiết. Thật không may, bước ngắn sẽ gây căng cơ cho vùng lưng, nhất là ở người già.


Lê bước - bệnh Parkinson

Cảm thấy khó khăn khi nâng chân lên khỏi mặt đất là khía cạnh không tránh khỏi của tuổi già nhưng đó cũng là dáng đi riêng biệt của bệnh nhân Parkinson. Cùng với hiện tượng run, đây có thể coi là dấu hiệu sớm của bệnh. Ngoài ra, người có chứng mất trí nhớ, ví dụ như Alzheimer cũng có thể lê bước vì bộ não và hệ thống cơ không phối hợp tốt. Nhưng khi đã có triệu chứng này thì các vấn đề về mất trí nhớ và giảm khả năng tư duy đã trở nên rõ ràng hơn.

Nhón chân - chấn thương tủy sống hoặc đột quỵ

Khi bước đi, cả hai đầu ngón chân được đặt xuống mặt đất trước khi đặt phần gót, khả năng là trương lực cơ hoạt động quá mức, do tín hiệu không chính xác từ não. Khi người ta phải đi nhón trên 2 đầu ngón chân, các ngón chân, hầu hết khả năng có tổn thương trong cột sống hay não, chẳng hạn như bại não hoặc chấn thương tủy sống. Nhưng lưu ý, trẻ em tập đi mà nhón chân là chuyện bình thường. Trường hợp khác, khi một người đi bằng đầu ngón chân ở một bên, nó là một chỉ báo của đột quỵ - thường gây tổn hại đến một bên người.

Dáng vòng kiềng - viêm xương khớp

85% người có dáng vòng kiềng bị viêm khớp mãn tính do cơ thể không được hỗ trợ đầy đủ, đầu gối có xu hướng khuỳnh sang hai bên. Trẻ em vòng kiềng thường liên quan đến còi xương hoặc do gene và cũng dễ chỉnh hơn người lớn. Riêng những người thấp khớp đầu gối có xu hướng sít vào nhau, cẳng chân uốn cong ra ngoài.