Gìn giữ hòa bình tại các điểm nóng xung đột
Hơn 76 năm kể từ ngày Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra quyết định lịch sử gửi các quan sát viên quân sự đến Trung Đông để giám sát việc thực hiện các thỏa thuận đình chiến giữa Israel và Arab (ngày 29-5-1948), lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã có những đóng góp to lớn vào việc ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ xung đột tại các điểm nóng, bất ổn trên thế giới, góp phần gìn giữ và kiến tạo hòa bình. Ngày 29-5 cũng được tổ chức hòa bình và an ninh lớn nhất hành tinh này chọn là Ngày Quốc tế gìn giữ hòa bình.
Nữ chiến sĩ gìn giữ hòa bình của Việt Nam tặng quà cho trẻ em tại Nam Sudan |
Trải qua hơn 3/4 thế kỷ, tới nay đã có hơn 2 triệu lượt người đến từ 125 quốc gia tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Sự hiện diện của lực lượng mũ nồi xanh Liên hợp quốc được xem là một biểu tượng hòa bình cho các cuộc xung đột và là hy vọng cho những người dân nơi chiến tranh đã qua đi. Tới nay, đã có hơn 4.300 binh sĩ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của nhiều quốc gia đã hy sinh vì nhiệm vụ cao cả của mình. Chỉ riêng trong năm 2023, tiếp tục có tới 61 người lính mũ nồi xanh từ 33 quốc gia đã nằm xuống vì hòa bình thế giới, nâng tổng số binh sĩ quân đội, cảnh sát và nhân viên dân sự hy sinh trong 76 năm qua lên hơn 43.00 người.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) ngày 29-5 năm nay, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “Nhớ đến những người lính đã ngã xuống nhắc chúng ta cái giá về con người cho các cuộc xung đột. Mỗi mất mát càng cho thấy sự cần thiết phải ngăn chặn bạo lực, bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất và nỗ lực hết mình chấm dứt các cuộc xung đột chết người này”.
Quá trình hơn 76 năm đã khẳng định vai trò, tầm ảnh hưởng của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ngày càng lớn tại các điểm nóng xung đột, cũng như tại những nơi cần sự tái thiết, hỗ trợ sau chiến tranh. Trong những đóng góp ấy, có sự đóng góp đầy ý nghĩa và hiệu quả của những nam, nữ chiến sĩ bộ đội và cảnh sát Việt Nam. Sau hơn 10 năm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Việt Nam rất tự hào là đã tham gia vào tất cả các khâu triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Đến nay, đã có hơn 800 lượt chiến sĩ mũ nồi xanh của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ, tỏa đi khắp nơi, từ Phái bộ ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Abyei và cả Cục Hoạt động Hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc. Việt Nam cũng có những chiến sĩ tham gia trực tiếp ở Ban thư ký, họ đóng góp, xây dựng vào việc triển khai kế hoạch tại các phái bộ, đồng thời có những lực lượng đóng góp trực tiếp trên thực địa.
Ông Jean-pierre Lacroix, Phó tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách gìn giữ hòa bình, khẳng định: “Tôi thực sự thấy biết ơn những đóng góp xuất sắc và hiệu quả mà lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đã mang lại. Đây cũng là những đóng góp rất quan trọng và ý nghĩa của Việt Nam trong thúc đẩy hòa bình và tăng thêm giá trị cho Liên hợp quốc”.
Thách thức lớn với lực lượng mũ nồi xanh
Trong một thế giới đầy biến động phức tạp như hiện nay, nhất là quan điểm khác nhau, chia rẽ giữa các nước lớn, giữa các trung tâm chính trị lớn, người đứng đầu lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Jean-Pierre Lacroix cho biết, lực lượng này đang đối mặt với thách thức lớn từ một cộng đồng quốc tế bị chia rẽ, nhất là sự chia rẽ trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Một trong những hệ lụy không mong muốn của điều này là ngân sách và quy mô lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đang bị cắt giảm.
Sau khi lên tới đỉnh điểm vào năm 2014 với quân số khoảng 130.000 người, tham gia 16 chiến dịch gìn giữ hòa bình tại nhiều điểm nóng, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc dần bị cắt giảm. Hiện nay, có khoảng 71.000 binh sĩ mũ nồi xanh Liên hợp quốc triển khai hoạt động tại 12 khu vực xung đột ở châu Phi, châu Á, châu Âu và Trung Đông. Những năm qua, các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở nhiều khu vực xung đột đã dần bị thu hẹp hoặc phải chấm dứt sứ mệnh, bất chấp bối cảnh các cuộc xung đột và tình trạng bất ổn về chính trị, kinh tế hay xã hội những nơi này chưa được giải quyết dứt điểm. Thiếu đi sự bảo vệ, chở che, những người dân tại các điểm nóng trở nên dễ bị tổn thương hơn, trong đó đặc biệt là các đối tượng yếu thế như phụ nữ và trẻ em gái.
Trước khi Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) ngừng hoạt động theo yêu cầu của chính quyền chuyển tiếp, nước này ghi nhận những tiến bộ trong trao quyền cho phụ nữ. Tuy nhiên, việc MINUSMA chấm dứt sứ mệnh tại Mali ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực duy trì những kết quả đã đạt được, trong đó có các chương trình xây dựng hòa bình mà phụ nữ đóng vai trò quan trọng. Tình trạng bắt cóc, cưỡng bức và bạo lực nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái do các nhóm tội phạm gây ra vẫn leo thang những năm qua và chưa có dấu hiệu ngừng lại tại những điểm xung đột. Việc các phái bộ rời khỏi những điểm nóng ở Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo đã dẫn đến tình trạng mất an ninh, khiến phụ nữ và trẻ em gái dễ trở thành mục tiêu của các nhóm vũ trang.
Theo Giám đốc điều hành Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Sima Bahous, dù phải đối mặt mức độ xung đột và bạo lực chưa từng có, song lực lượng gìn giữ hòa bình lại giảm gần một nửa từ khoảng 121.000 người năm 2016 xuống còn khoảng 71.000 người năm 2024. Bà Sima Bahous lo ngại, các phái bộ rời đi đã để lại những khoảng trống; phụ nữ và trẻ em gái ở những khu vực xung đột đang trở nên dễ bị tổn thương hơn.
Những thực trạng trên cho thấy, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc rút đi có thể xóa nhòa những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ giải quyết tình trạng xung đột, bạo lực. Do đó, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về phụ nữ, hòa bình và an ninh mới đây, đại diện các quốc gia, tổ chức tham dự cho rằng, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi bạo lực nên được xem là ưu tiên hàng đầu. Việc thu hẹp hoạt động hoặc rút hoàn toàn các lực lượng gìn giữ hòa bình cũng cần được tính toán kỹ lưỡng, không làm mất đi những thành quả khó khăn mới đạt được. Bên cạnh đó, vấn đề huy động tài trợ, phân bổ nguồn lực hiệu quả cũng cần được chú trọng.