Bão số 4 di chuyển thần tốc, Nghệ An - Quảng Trị cấp tập chống bão

ANTD.VN - Từ sáng sớm đến trưa mai, 30/8, bão số 4 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Trưa mai bão số 4 cập đất liền

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, vào 13h chiều nay, 29/8, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, ngay ở phía Nam đảo Hải Nam, cách đất liền các tỉnh Nghệ An-Quảng Trị khoảng 350km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.

Trong chiều và tối nay, bão Podul di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20km. Từ sáng sớm đến trưa mai, 30/8, bão số 4 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Bão số 4 đang di chuyển rất nhanh, dự kiến đổ bộ đất liền vào sáng hoặc trưa mai, 30/8

Đến 13h cùng ngày, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 16,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông

Từ tối nay, ở Nam Vịnh Bắc bộ có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12.

Từ đêm nay, ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Sóng biển cao từ 2-4m, vùng gần tâm bão sóng biển cao 3-5m, biển động rất mạnh. Vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa-Quảng Bình nước dâng do bão cao từ 0,5-1,0m.

Từ sáng sớm ngày 30/8, ở các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11.

Từ nay đến 31/8, ở các tỉnh Trung bộ có mưa to đến rất to; từ ngày mai đến ngày 2/9 ở Bắc bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; từ nay đến ngày 1/9 ở Tây Nguyên và Nam bộ có mưa vừa, mưa to, Bắc Tây Nguyên mưa rất to.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, càng về gần bờ bão số 4 di chuyển với tốc độ nhanh hơn so với dự báo trước đó, khu vực ảnh hưởng khu trú từ Nghệ An đến Quảng Bình, hẹp hơn so với dự báo ngày 28/8, tuy nhiên không được chủ quan, đặc biệt công tác dự báo.

Do tác động của sóng, tại các khu vực neo đậu, các địa phương cần tập trung kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn để đảm bảo an toàn tàu thuyền; tuyệt đối không để người dân ở lại trên các phương tiện, tàu thuyền, lồng bè.

Đối với dân cư vùng thấp trũng, vùng xung yếu, khu vực nguy hiểm cần tổ chức sơ tán, di dời đảm bảo an toàn. Đặc biệt lưu ý tại đoạn sông Gianh, Quảng Bình. Theo dõi, cập nhật tình hình mưa để chuẩn bị công tác chỉ đạo ứng phó.

Cấm biển từ hôm nay, 29/8

Tại Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã yêu cầu tinh thần ứng phó với cơn bão số 4 không được chủ quan, bị động. Các địa phương, các ngành cần bám sát công điện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai trong việc triển khai các phương án ứng phó với bão số 4; sẵn sàng thực hiện phương án “4 tại chỗ”.

Nhiều địa phương ở Nghệ An cấp tập thu hoạch lúa "chạy" bão số 4

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Tiểu ban An toàn nghề cá và UBND các huyện ven biển thông báo cho số tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn; tổ chức kiểm đếm, quản lý tàu, thuyền. Từ 13h ngày 29/8, nghiêm cấm tất cả các loại tàu, thuyền kể cả tàu vận tải và tàu du lịch ra khơi.

Thông báo đến tận người dân về diễn biến của cơn bão; sẵn sàng phương án sơ tán dân những vùng nguy cơ lũ quét, lũ ống và sạt lở đất. Kiểm tra vận hành các công trình thủy lợi, nhất là các hồ đập nhỏ, chủ động phương án tiêu thoát lũ an toàn; tiếp tục đốc thúc, giúp đỡ bà con nông dân thu hoạch lúa hè thu trước bão.

Bí thư tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị các địa phương, đơn vị hoãn tất cả các cuộc họp, tập trung cho công tác phòng, chống bão số 4.

Tại Nghệ An, từ sáng 29/8, người dân đã cấp tập phòng chống bão, nông dân nhiều huyện như Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn cấp tập gặt lúa chạy bão. Từ 5h cùng ngày,  Nghệ An ban bố lệnh cấm biển, tất cả các tàu thuyền không được ra khơi.

Sau khi cập bến, người dân đưa các ngư cụ, máy móc thiết bị ra khỏi thuyền. Cơ quan chức năng cũng yêu cầu các chủ tàu, thuyền tuyệt đối không được lưu trú trên tàu trước và sau bão.