- Bão Mirinae đổ bộ đất liền: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam mất điện hoàn toàn
- Mưa tạnh, bão tan, người dân đi lại an toàn mới rời vị trí
- Lãnh đạo thành phố Hà Nội kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa bão
Tại Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình... nhiều cây xanh bị gãy, đổ; cột điện, mái tôn, hoa màu bị quật gãy; nước ngập trên nhiều tuyến đường của các địa phương khiến giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo thống kê sơ bộ ban đầu, đã có người chết, và bị thương do mưa bão gây ra...
Hà Nội: Bão số 1 làm một người chết và 5 người bị thương
Theo báo cáo của Trưởng Ban tìm kiếm cứu nạn - Bộ Tư lệnh Thủ Đô, tính tới thời điểm hiện tại ở Hà Nội đã có 1 người chết, 5 người bị thương, nhiều cây xanh trên các tuyến đường Hà Nội bị giật đổ, cùng 10 điểm ngập úng, 2 cột điện đổ gãy và 19 nút đèn giao thông gặp sự cố do mưa bão.
Nhiều cây xanh bật bị gốc
Một số ô tô còn bị cây đổ đè trúng, rất may không tài xế nào tử vong.
Thái Bình: 2 người bị thương
Từ đêm 27-7 trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng ven biển cấp 10, giật cấp 10, cấp 13 kèm theo mưa lớn. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, đến 9h ngày 28-7 đã có 2 người bị thương do bão, nhiều diện tích lúa bị ngập úng và mất điện trên diện rộng.
Hoa màu bị dập nát
Nhà thì bị tốc mái vì gió lớn
Nam Định: 5 tàu cá của ngư dân bị đánh chìm
Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho hay, hiện tại trên địa bàn tỉnh bị mất điện, mưa và gió đã giảm. Thống kê ban đầu từ các địa phương, không có thiệt hại về người; 5 tàu cá của ngư dân bị đánh chìm; nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng. Trên các tuyến phố, nhiều cây xanh bị quật gãy; một số tuyến phố bị ngập úng, các phương tiện di chuyển gặp khó khăn.
Gió giật lớn, cây trái, hoa màu của người dân Nam Định mất trắng
Ninh Bình: Nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng
Ông Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình cho hay, theo báo cáo nhanh từ các địa phương, đến 5h sáng nay không có thiệt hại về người; khoảng 36.000ha lúa và hoa màu bị ngập úng. Hiện tại, một số quận, huyện đang bị mất điện. Nhiều cây cối bị đổ; mái nhà tốc mái.
Hải Phòng: Hư hại 400m đê biển
Theo báo cáo ban đầu của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hải Phòng, do ảnh hưởng của bão số 1, sáng nay 28-7, tại khu vực huyện đảo Bạch Long Vỹ, một số bạt mái hiên, mái tôn nhà dân, biển quảng cáo và một số công trình bị tốc mái. Chân kè và dầm bê tông mái kè đê biển Cát Hải (huyện Cát Hải) bị sạt lở, hư hại khoảng 400 m. Tại huyện Vĩnh Bảo, có khoảng 3.000 ha lúa mới cấy bị ngập úng, gãy đổ khoảng 10.500 cây ăn quả (chủ yếu là chuối). Theo báo cáo của ngành điện lực Hải Phòng, 3 cột điện cao thế đã bị đổ, 62 lộ đường dây bị sự cố, 1.829 trạm biến áp bị mất điện.
Nhiều cây xanh ở Hải Phòng bị gió bão quật đổ
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, trong 6-12 giờ vừa qua, ở các tỉnh ven biển Đông bắc và đồng bằng Bắc bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 50-100mm, một số nơi có mưa lớn hơn như Nam Định 126mm, Ninh Bình 173mm, Thái Bình 186mm.
Hiện tại, bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và tiếp tục gây gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-10 ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ.
Dự báo, trong 3 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thêm. Mưa to đến rất to tập trung ở các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc bộ và Hòa Bình. Riêng ở Hà Nội còn có gió giật mạnh cấp 8-9 và mưa rất to (50-100mm).
Trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành ATNĐ, sau đó là vùng áp thấp. ATNĐ vẫn sẽ gây mưa ở khu vực Nam đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa.
Đến 16h ngày 28-7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/h).