Bão số 1 đổ bộ đất liền

(ANTĐ) - Trái với dự báo những ngày đầu, vào đêm  15-7, bão số 1 di chuyển lệch xuống phía Nam, đe dọa trực tiếp đến các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc bộ như Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình...

Các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ:

Bão số 1 đổ bộ đất liền

(ANTĐ) - Trái với dự báo những ngày đầu, vào đêm  15-7, bão số 1 di chuyển lệch xuống phía Nam, đe dọa trực tiếp đến các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc bộ như Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình...

Dự báo đường đi cơn bão Conson
Dự báo đường đi cơn bão Conson 

Hải Phòng - Nghệ An là tâm bão

Bên cạnh đó, kể từ khi vào biển Đông, qua quần đảo Hoàng Sa, bão số 1 không suy yếu như dự báo ban đầu mà tiếp tục mạnh thêm. Theo đó, vào hồi 16h ngày 16-7, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng-Nghệ An khoảng 450 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 13, cấp 14.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, đây là cơn bão rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, từ Quảng Ninh tới khu vực Nghệ An. Hơn nữa, sau khi đi sâu vào đất liền, bão số 1 sẽ duy trì ở cấp 8-9 rồi vòng lên các tỉnh miền núi Phú Thọ - Yên Bái gây mưa rất lớn ở khu vực này. Cũng theo ông Tăng, khoảng chiều tối hôm nay, 17-7, bão số 1 sẽ đổ bộ vào đất liền, trên địa phận các tỉnh Hải Phòng-Nghệ An.

Hôm qua 16-7, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh tới Quảng Trị; các bộ, ngành liên quan yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Trị căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương để có lệnh cấm biển phù hợp; tổ chức neo đậu tàu thuyền, huy động nhân dân tham gia chằng chống nhà cửa, các công trình công cộng... Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An phải tổ chức di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở cao. Các tỉnh miền núi phía Bắc cần đề phòng mưa lớn gây sạt lở đất, sập hầm, lò. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT vận hành an toàn các hồ chứa, đặc biệt lưu ý đến công trình thủy điện Sơn La.

Tuy nhiên, từ sáng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh tới Thanh Hóa bắt đầu có gió mạnh cấp 5-6, sau tăng dần 7-8. Vùng tâm bão đi qua gió giật cấp 10-11, các tỉnh như Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình... gió giật cấp 7-8, kèm theo mưa lớn. Ngoài ra, các tỉnh ven biển thủy triều kết hợp sóng cao từ 6-8m, kéo theo đó mực nước biển sẽ dâng cao từ 4-5m trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh tới Nam Định. Sau khi đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, sang đêm 17-7, bão số 1 đi vào các tỉnh Tây Bắc bộ và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Ông Tăng cho hay, mưa lớn sẽ tập trung trong ngày 17, kéo dài hết ngày 19-7. “Bão số 1 với đặc điểm gây mưa lớn, cấp tập trong một khoảng thời gian ngắn, từ 4-5 giờ, với lượng mưa phổ biến trung bình khoảng 200mm, quét qua 1 vùng rộng từ Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội... Đặc biệt, mưa lớn sẽ tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc, với lượng mưa có thể lên đến 400mm”, ông Tăng nói. Bởi vậy, theo ông Tăng, đối với các tỉnh, thành vùng đồng bằng cần đề phòng úng, ngập ở các thành phố, thị xã, còn các tỉnh miền núi cần đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Mưa lớn ngoài khả năng dự báo

Tại cuộc họp sáng qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tỏ ra lo lắng, bởi, tất cả các thông tin từ khi có bão hình thành đến nay đều cho rằng, bão sẽ đổ bộ vào Trung Quốc, nên đã sinh ra tâm lý chủ quan, một bộ phận lớn cán bộ địa phương chưa đánh giá đúng tầm vấn đề. Bởi vậy, Bộ trưởng Phát đề nghị, tất cả các tỉnh được thông báo nằm trong vùng ảnh hưởng của bão cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đối phó mạnh mẽ.

Chỉ đạo công tác phòng chống cơn bão số 1, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, bão số 1 mang dáng dấp của một cơn bão trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Mưa trong bão rất lớn, ngoài khả năng dự báo. Điều này đã khiến chúng ta có phần bị động. Đặc biệt, Phó Thủ tướng lo ngại trước khả năng mưa lớn lên đến 400mm ở khu vực miền núi phía Bắc. Hơn nữa, bão số 1 vẫn tiếp tục di chuyển với tốc độ nhanh, trong khi chúng ta vẫn chưa biết chính xác bão sẽ đổ bộ cụ thể vào địa điểm nào.

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng yêu cầu, các tỉnh, thành từ Quảng Ninh tới Thanh Hóa phải căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương để có lệnh cấm biển. Mặt khác, xác định những điểm dân cư có khả năng bị ảnh hưởng để tổ chức di dân, sơ tán. Đối với tỉnh Quảng Ninh cần lưu ý tại các mỏ, hầm than để tránh nguy cơ ngập, gây sập hầm, lò.

Bộ Công Thương ngoài việc đảm bảo cung cấp điện trong lúc mưa bão để kịp thời chống úng, ngập cần quan tâm đến an toàn công trình hồ chứa Sơn La và Hòa Bình. Các tỉnh, thành phố có nguy cơ bị ngập do mưa lớn cần có phương án chống ngập, úng cụ thể, chuẩn bị sẵn sàng máy móc, vật, tư để kịp thời ứng cứu. Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý TP Hà Nội trước nguy cơ mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn có thể gây úng, ngập cục bộ.

Đã có thiệt hại ngay khi bão chưa đổ bộ

Thông tin từ Ủy ban quốc gia TKCN cho biết, tính đến 18h ngày 16-7, tại khu vực quần đảo Hoàng Sa vẫn còn 17 tàu, 237 ngư dân (vùng tâm bão đi qua), cùng 5 tàu bị mất tích, chưa thể liên lạc được. Bên cạnh đó, vào rạng sáng 16-7, tại khu vực quần đảo Hoàng Sa đã có 4 tàu cá, 49 ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi bị chìm, trôi dạt vào khu vực đảo Đá Bắc và Xà Cừ thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, đến 18h cùng ngày, lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận được với số ngư dân bị nạn này.

Theo tin từ BCH PCLB&TKCN tỉnh Quảng Ninh, đến chiều tối hôm qua 16-7, hơn 10.000 tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển Quảng Ninh đã vào nơi tránh trú bão an toàn. Cảng Bãi Cháy cũng đã dừng cấp phép hoạt động cho các tàu du lịch... Tuy nhiên, tại Quảng Ninh do chưa có khu neo đậu chuẩn nên nếu bão trực tiếp đổ bộ vào khu vực này thì nguy cơ bị chìm tàu neo đậu tại cảng là rất lớn.

Còn tại tỉnh Nam Định, trao đổi với phóng viên ANTĐ vào chiều tối qua 16-7, ông Đặng Ngọc Thắng - Phó Chánh văn phòng BCH PLCB&TKCN tỉnh Nam Định cho biết, tỉnh Nam Định tổ chức sơ tán dân trên địa bàn 2 huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng. Tại huyện Giao Thủy tính đến 14h cùng ngày đã sơ tán được 1.400 dân đến nơi an toàn; huyện Nghĩa Hưng cũng hoàn thiện công tác di dân trước 22h. “Tàu thuyền của Nam Định phần lớn hoạt động gần bờ nên đến chiều tối 16-7, hầu hết các tàu đã về nơi trú bão an toàn”, ông Thắng cho biết.

Đối với công trình cầu  Phú Lệ (địa bàn huyện Hải Hậu) đang thi công dở dang, UBND tỉnh đã chỉ đạo dùng rọ thép bảo vệ đê quai, công việc đã hoàn tất vào 18h để kịp thời chống bão số 1. Cũng ông Thắng cho hay, bắt đầu từ 16h ngày 16-7, trên địa bàn tỉnh Nam Định đã bắt đầu có mưa nhỏ.

Hạ Quỳnh