Bão giá tấn công người mua hàng online

ANTĐ - Không thể phủ nhận những tiện ích của thương mại điện tử trong thời đại công nghệ số như hiện nay. Người ta tìm đến các gian hàng online để tiết kiệm thời gian, tiền bạc. Tuy nhiên, khi  giá cả  đang ngày một leo thang, chi phí để đặt một shop online cũng tăng chóng mặt. Kéo theo đó là sự tăng giá của các mặt hàng, dẫn đến việc mua hàng qua mạng còn đắt hơn so với các cửa hàng bên ngoài.


Ế khách

Thói quen mua sắm của rất nhiều người đã thay đổi kể từ khi những gian hàng online được mở ra. Người mua chỉ cần lên mạng, lướt web và lựa chọn cho mình những sản phẩm ưng ý, sẽ có người giao tận nhà sản phẩm đó. Thêm vào đó, giá cả các sản phẩm cũng rẻ hơn rất nhiều so với cửa hàng truyền thống bên ngoài từ 20-30%. Nhưng hiện nay, khi giá cả trên thị trường ngày một đắt đỏ, nhiều sản phẩm được rao bán trên Internet cũng bị đẩy giá lên từ 10% đến 30%. Chưa kể đến việc xuất hiện quá nhiều những cửa hàng online như vậy. Lướt qua một vài địa chỉ như vatgia.com, muare.vn có thể thấy hàng triệu những chủ đề được lập ra để rao bán hàng online. Việc cạnh tranh khiến giá thuê “gian hàng” đăng tin bị đẩy lên chóng mặt.

Theo khảo sát, giá thuê một gian hàng hiện nay có hai loại là 500.000 đồng và một 1.000.000 đồng, chưa tính thuế. Tiền soạn tin đăng bài là 15.000 đồng mỗi tin. So với năm trước giá đã tăng 20%. Giải thích cho sự tăng giá này những nhà cung cấp dịch vụ đều đổ tại do sự bùng nổ về số lượng người tham gia mua cửa hàng online. Để cung cấp dịch vụ tốt nhất, họ phải thuê thêm máy chủ. Hơn nữa, tiền thuê    domain, host cũng tăng chóng mặt nên việc tăng giá thuê cửa hàng online cũng là điều dễ hiểu.  Chị Quỳnh Chi (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi thường sử dụng Internet để bán hàng qua mạng. Nhưng giá thuê một gian hàng online năm nay đã tăng 20% so với năm trước. Điều này dẫn đến việc các cửa hàng bắt buộc phải tăng giá sản phẩm để bù lỗ, chính vì vậy những người buôn bán nhỏ lẻ, tay trái như chúng tôi đều lâm vào tình trạng ế khách”.

Lay lắt chờ ngày đóng cửa

Nhiều hàng hóa online giờ còn đắt hơn so với các cửa hàng truyền thống. Nhất là đối với mặt hàng thời trang fake theo kiểu dáng của những thương hiệu nổi tiếng. Giá mua một chiếc ví tại các cửa hàng thông thường chỉ khoảng 70.000 đồng đến 150.000 đồng. Thì giá cùng mặt hàng bán trên mạng đắt hơn từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng. Hơn nữa, tâm lý dè dặt đối với đồ mua qua mạng của những người mua hàng cũng ngày càng tăng bởi nhiều trường hợp lừa đảo hoặc mua phải hàng kém chất lượng đã từng xảy ra.

Chưa kể đến việc các trung tâm mua sắm, siêu thị ở ngoài liên tục mở đợt xả hàng, giảm giá để xoay vòng vốn. Các cửa hàng online nhỏ lẻ cũng bị cuốn vào vòng xoáy giá cả đó và lay lắt chờ ngày đóng cửa. Anh Tuấn (chuyên kinh doanh mặt hàng kính mắt) tâm sự: “Mỗi ngày có hàng trăm tin rao vặt được đăng tải, giá thuê gian hàng đã tăng nay lại phải tốn thêm tiền để thuê người “up”, đẩy bài mình lên trước”. Chi phí tổng cộng hàng tháng cũng tốn đến hơn 1.000.000 đồng. Hầu hết những người bán hàng qua mạng đều là tay trái, ít vốn nên muốn bán rẻ cũng khó khả thi. Thời gian gần đây, trên mạng cũng xuất hiện thêm một loại hình giao dịch qua mạng mới, đó là voucher giảm giá. Điều đó cũng khiến những gian hàng online mất khách và đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Phát triển giao dịch thương mại điện tử là một xu hướng tất yếu trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. Những tiện ích và ưu thế của thương mại điện tử đã được kiểm chứng. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ, việc bùng nổ, phát triển tràn lan lại như một con dao hai lưỡi giết chết thị trường giao dịch online vẫn còn đang non trẻ này.