Báo Đức khen tăng T-90 Nga, chê M1 Abram Mỹ yếu ớt

ANTD.VN - Báo Đức Stern sau khi so sánh 2 video tăng T-90 và M1 Abram trúng đạn tên lửa chống tăng đã ca ngợi độ bền của xe tăng Nga và chê bai “sự mong manh” của tăng Mỹ.

Chuyên viên của tờ báo Đức Stern đã so sánh hai băng video, ghi hình đòn tấn công của tên lửa chống tăng vào xe tăng Mỹ M1 Abrams và xe tăng Nga T-90A rồi khẳng định rằng, xe tăng Nga phô diễn sự chắc chắn vượt trội nhờ lớp giáp bảo vệ tốt và hệ thống phòng thủ hiện đại.

Tác giả bài viết cho biết, trước đây đã xuất hiện một đoạn băng video, trong đó ghi lại cảnh phiến quân Syria sử dụng loại tên lửa chống tăng TOW của Mỹ bắn trúng xe tăng T-90A của Nga do quân đội Syria điều khiển, nhưng chiếc xe tăng Nga không hề bị suy suyển.

Xe tăng Nga có hệ thống bảo vệ chủ động, ngay cả trong trường hợp tổ lái không tận dụng khả năng này thì chiếc tăng vẫn thể hiện rất bền chắc, khi tên lửa không thể xuyên thủng lớp giáp, trong khi chiến sĩ điều khiển kịp thời an toàn thoát khỏi buồng lái.

Chuyên viên Đức còn nhận định, trong chiến dịch tái chiếm Mosul của các lực lượng vũ trang Iraq, liên minh do Hoa Kỳ cầm đầu chiếm ưu thế trên không, nhưng thành tựu trong các hoạt động mặt đất của quân đội Iraq và các lực lượng ủng hộ còn rất hạn chế.

Trong một đoạn video mà tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên truyền trên Internet cho thấy, một quả tên lửa chống tăng đã bắn trúng chiếc M1 Abrams của Mỹ, biến chiếc xe tăng hạng nặng cồng kềnh thành một “quả cầu lửa”, cơ hội sống sót của kíp lái là rất thấp.

Video cho thấy, quả tên lửa phóng trúng vào phần dễ thương tổn nhất của chiếc M1 là khoang đạn dược, khiến chiếc xe bùng nổ.

“Chiếc xe tăng trị giá hàng triệu USD mà không có chút cơ hội nào chống lại một tên lửa cũ. Tại sao có thể như vậy?” - tác giả bài báo đặt câu hỏi.

Xe tăng chủ lực M1 Abram của Mỹ trong biên chế quân đội Iraq

Tác giả bài báo lưu ý rằng, kể từ năm 1979, loại xe tăng Mỹ chưa lần nào được hiện đại hóa nên không được trang bị bất cứ phương tiện bảo vệ hiện đại nào, thậm chí là cả hệ thống gây nhiễu thường được sử dụng chống lại các vũ khí chống tăng có dẫn đường.

Do đó, loại xe tăng chiến đấu chủ lực hạng nặng 67 tấn của Mỹ không chỉ bị những loại tên lửa chống tăng hiện đại hơn như K115-2 Metis-M, 9M133 Kornet tiêu diệt, mà nó còn có thể bị những loại tên lửa chống tăng cũ kỹ của Nga như RGP-7, RGP-29 thiêu rụi.

Ví dụ như trước đây Mỹ đã cung cấp 136 chiếc M1A1M Abram cho sư đoàn 9 của Quân đội Iraq. Tuy nhiên, chỉ trong vẻn vẹn thời gian 1 năm 2014, khi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tấn công sang Iraq, số lượng xe này chỉ còn vẻn vẹn 40 chiếc.

Đại đa số xe tăng M1 Abram của quân đội Iraq đã bị quân khủng bố sử dụng các hệ thống chống tăng cá nhân (chủ yếu của Nga và Trung Quốc, thậm chí là cả TOW của Mỹ) bắn cháy, bắn hỏng.

Nhà báo Đức nhận định rằng, cần được cung cấp thêm sự bảo vệ cho tổ lái, bởi chắc chắn rằng tăng M1 Abrams vẫn còn phục vụ trong quân đội Mỹ một thời gian dài nữa, bởi hiện nay Lầu Năm Góc vẫn chưa đưa ra bất cứ kế hoạch chế tạo xe tăng mới nào.

Đã khá lâu rồi quân đội Mỹ không trực tiếp tham chiến trên các chiến trường trên bộ, với thực trạng yếu kém của lực lượng tăng-thiết giáp như hiện nay, Mỹ chỉ có thể bảo đảm về tính cơ động nhưng rất dễ tổn thương trước các loại vũ khí chống tăng, không ai dám chắc lục quân Mỹ sẽ giành được chiến thắng.