Báo Anh: Vũ khí Nga khiến NATO "lạc lối và tụt hậu"

ANTĐ - Kể từ khi Moscow quyết định can thiệp quân sự vào Syria bằng chiến dịch quân sự chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), báo giới phương Tây đã có nhiều bình luận về khả năng quân sự đáng kinh ngạc của Nga.

Ngày 30-1-2016, tờ báo Anh Independent đã có bài viết cho biết, với sự thể hiện xuất sắc của Nhóm không quân thuộc lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga (VKS) và lực lượng bảo đảm của nó ở Syria, vũ khí Nga đã khiến khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương trở nên “lạc lối và tụt hậu”.

Tờ báo này cho biết, trước khi Nga quyết định can thiệp quân sự vào Syria, các quan chức quân sự và học giả Mỹ-NATO thường hình dung Nga là một đội quân “già cỗi”, vũ khí “lạc hậu và rỉ sét”, chỉ mạnh về hạt nhân còn các vấn đề khác quá bình thường. Tuy nhiên, chiến dịch không kích của Nga vào các mục tiêu khủng bố IS ở Syria đã khiến tất cả bị sốc bởi tính hiệu quả, khả năng duy trì tần suất không kích liên tục đáng kinh ngạc, công nghệ biến “vũ khí ngu” thành “vũ khí thông minh”, khả năng tác chiến điện tử siêu hạng…

Tờ báo dẫn tuyên bố của tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu Ben Hodges cho rằng, bước tiến trong công nghệ quân sự của Nga là “không thể tin nổi”, các lực lượng vũ trang nước này đã “lột xác hoàn toàn” kể từ sau cuộc “Chiến tranh 5 ngày” với Gruzia năm 2008.

Nga đã có bước phát triển vượt bậc về công nghệ quân sự

Trong đó, sự thể hiện của lực lượng tấn công tầm xa của Nga đã khiến cả thế giới “mở mắt”. Lần đầu tiên các quan chức quân sự NATO thấy rằng, không cần dùng tới tên lửa hạt nhân, Nga cũng có khả năng tấn công toàn thế giới chỉ bằng các vũ khí thông thường.

Lực lượng không quân chiến lược Nga có khả năng bay vòng quanh thế giới và tấn công bất cứ nơi đâu bằng các tên lửa hành trình siêu xa như Kh-555 và Kh-101 - những tên lửa mà tầm phóng của nó vượt gấp vài lần những loại tên lửa có phạm vi tấn công xa nhất của Mỹ và châu Âu.

Các máy bay ném bom và cường kích cũ kỹ của Nga, sau khi được lắp hệ thống hiệu chuẩn vũ khí SVP-24, áp dụng công nghệ SITREP đã vụt biến những loại “bom ngu” thành những vũ khí đầy thông minh, sánh ngang các vũ khí dẫn đường chính xác của Mỹ-châu Âu.

Lực lượng hải quân Nga cũng đem lại những mối đe dọa tiềm tàng đối với bất cứ vùng biển nào và lục địa nào trên toàn cầu và xứng đáng là sự đại diện cho một xu hướng tác chiến mới trên thế giới.

Những con tàu có lượng giãn nước vẻn vẹn 950 tấn như tàu tên lửa lớp Byan-M cũng có khả năng tấn công tầm xa hàng nghìn km bằng tên lửa hành trình, ngang ngửa với những tàu khu trục lớp Arleigh Burke và tuần dương hạm lớp Ticonderoga của Mỹ, có lượng giãn nước gấp hàng chục lần nó.

Tác chiến hạm bé hạt tiêu của Nga có tính năng không kém các tàu chiến lớn gấp hàng chục lần của Mỹ

Theo tướng Đức trong khối NATO Hans-Lothar Domreze, hiện giờ khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã tụt hậu vài thập niên so với Nga, không chỉ về vũ khí, trang bị, mà còn cả về quân số và cơ cấu quân lực.

Khối liên minh quân sự này đã cắt giảm quân số mạnh trong vòng vài chục năm trở lại đây. Theo tính toán của các chuyên gia quân sự, tương ứng với khoảng thời gian 25 năm, lực lượng vũ trang của khối này cũng đã giảm tới 25%. 

Hiện nay, NATO cần nghiêm túc theo dõi để qui mô của liên minh là đủ để duy trì cân bằng lực lượng đối với Nga và trên thế giới hay không. Các chuyên gia phải đánh giá đúng tình hình để hiểu xem có sai lầm nào khiến cán cân nghiêng lệch về phía Nga.

Theo quan điểm của tướng Domreze, trong trường hợp cán cân quá lệch, NATO phải bắt đầu đàm phán với Nga về giải trừ quân bị.

Nếu hai bên không thể tìm được tiếng nói chung về cắt giảm quân lực, thì Liên minh phải tái xây dựng lực lượng quân sự để giữ cân bằng, tuy nhiên điều này có làm được cũng phải mất rất nhiều thời gian, trong khi Nga đang không ngừng tiến lên phía trước.