Bằng giả từ thị trường đen tấn công toàn cầu

ANTĐ - Với khẩu hiệu “Lấy một bằng tốt nghiệp Tiến sĩ (Ph.D); Quản trị kinh doanh (MBA); Cử nhân… chưa bao giờ dễ như thế!” - những “chợ đen” cấp bằng giả trị giá tỷ USD mọc lên như nấm đã và đang tạo nên một “đại dịch” tấn công toàn cầu. Theo thống kê của tổ chức chuyên theo dõi thị trường đen trên thế giới Havocscope, mỗi năm có khoảng 50.000 bằng Tiến sĩ được bán bởi các “lò” sản xuất bằng, thu về khoảng 1 tỷ USD.

“Lò bằng” trên thị trường đen

Chỉ một vài thao tác đơn giản trên các công cụ tìm kiếm như Google hoặc Yahoo sẽ cho kết quả gần 300.000 trong 0,35 giây về các trang web rao bán các loại bằng cấp, từ bằng tú tài cho đến Tiến sỹ của các cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng trên khắp nước Mỹ. Nào Princeton, Harvard, Yale, và Stanford, MIT - những tên tuổi  mang lại niềm kiêu hãnh và hy vọng đổi đời cho bất cứ ai có nó trên tấm bằng tốt nghiệp. 

Cũng giống như tiền giả, công nghệ làm bằng giả ở các quốc gia có nền khoa học - kỹ thuật hiện đại, tiên tiến như: Mỹ, Anh, Australia, Trung Quốc… ngày càng tinh vi, khiến không chỉ người bình thường mà thậm chí ngay cả quan chức ở các trường có bằng bị làm giả cũng không phân biệt được. Một trang web chuyên về bằng giả, có địa chỉ ID ở Mỹ, tự hào tuyên bố: “Chúng tôi cung cấp hơn 1.000 loại giấy tờ, bằng cấp của các trường đại học với chất lượng 100% như thật”. Thậm chí, họ còn “đùa giỡn” một cách “hoàn hảo” với loại giấy đặc biệt chuyên dùng để làm bằng thật (có kèm theo ảnh và các chỉ số thông tin liên quan) rằng: Sở dĩ các trường dùng loại giấy này là để những người có trách nhiệm phân biệt được bằng giả. Nhưng nay chúng tôi cũng dùng đúng loại giấy như vậy thì chẳng còn ai có thể nhận ra!?

Theo thống kê của tổ chức chuyên theo dõi thị trường đen trên thế giới Havocscope, mỗi năm có khoảng 50.000 bằng Tiến sĩ được bán bởi các “lò” sản xuất bằng, thu về khoảng 1 tỷ USD (khoảng hơn 21.000 tỷ đồng). Cụ thể, châu Âu có tới 603 “lò” sản xuất bằng giả. Đáng lưu ý Vương quốc Anh lại là nước có số lượng “lò” sản xuất bằng giả cao nhất châu Âu với con số 339 trong năm 2011, tăng 25% so với năm 2010. 

Nhiều “lò” sản xuất bằng giả tính lệ phí với giá 50 USD-5.000 USD (khoảng 1 triệu-100 triệu đồng) cho một bằng cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ cũng như các văn bằng chứng chỉ khác. Thậm chí ở Trung Quốc, việc rao bán bằng giả còn được quảng cáo đóng dấu trên tường, với giá chỉ khoảng 29-40 USD (hơn 800.000 đồng).

Riêng các trường đại học tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 40.000 - 45.000 Tiến sĩ tốt nghiệp, trong khi đó dân số khoảng 315 triệu người. Số “lò” sản xuất bằng giả ở Mỹ trong năm 2011 có tới 1.008 tổ chức, tăng 20% so với năm 2010. Trong đó, có hơn 40% các lò sản xuất bằng giả xuất hiện tại các bang - vốn được xem là “cái nôi của trí thức nhân loại” như California, Hawaii, Washington và Florida. 

Tính đến tháng 6-2012, riêng một tổ chức cấp bằng quốc tế với văn phòng đại diện ở châu Âu, Trung Đông do người Mỹ điều hành đã bán được hơn 450.000 bằng các loại (Cử nhân; Thạc sĩ; Tiến sĩ; Y học và Luật học) cho khách hàng trên toàn thế giới thu về hơn 450 triệu USD.

Kẽ hở luật pháp

Có đất sống, những kẻ đầu cơ trên trí thức lên mạng tổ chức các hoạt động buôn bán bằng giả có khi công khai, nhưng phần lớn là chui, trá hình. Để qua mặt pháp luật, kiểu kinh doanh này thường quy định khách hàng phải ký cam đoan về việc họ đã từng có bằng do một cơ sở đào tạo hợp pháp cấp. Thế nhưng, đó chỉ là quy định trên giấy, còn trên thực tế, để tăng doanh số, hầu hết các nhà cung cấp đều không bắt khách hàng phải ký vào bất cứ thứ giấy tờ nào ngoài tấm séc chuyển tiền. Và đó là lý do khiến một chuyên viên của FBI tự nhiên có được tấm bằng “Luật Harvard” mà chưa hề học một ngày nào, hoặc thậm chí còn không biết nói tiếng quốc tế thông dụng như tiếng Anh.

Trên thức tế, những văn bằng cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ khoa học “rởm” xuất hiện tràn lan giống như một “đại dịch”, gây ảnh hưởng tới rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở các quốc gia. Nhiều biện pháp đã được đưa ra ở các cấp độ từ phòng ngừa, răn đe đến trừng phạt ở không ít quốc gia. Để bảo vệ sinh viên khỏi bị mắc lừa các chương trình học khuyến mãi, Singapore còn ra quy định mỗi sinh viên phải có một mã số riêng nếu không thực hiện truy cập theo mã số này sẽ bị phạt tội từ phạt tiền đến phạt tù 6 tháng. 

Ở Trung Quốc, Bộ Giáo dục nước này cũng bắt đầu phổ biến rộng rãi trên Internet danh sách những sinh viên tốt nghiệp thực sự của các trường hợp pháp để dễ kiểm tra. Trong nỗ lực chống lại nạn bằng giả, nhiều trung tâm dịch vụ xác thực văn bằng đã được thiết lập trên toàn Trung Quốc. Tuy nhiên, hầu hết người sử dụng lao động vẫn không quen với việc xác minh trình độ chuyên môn.

Năm 2008, luật pháp Mỹ lần đầu tiên nêu khái niệm “xưởng sản xuất bằng”, nhằm cho phép từng bang đặt ra tiêu chuẩn và chính sách quy định quyền cấp bằng, và những điều khoản trừng phạt liên quan trong luật hình sự rõ ràng hơn. Tuy nhiên, rất khó để trừng phạt những kẻ cung cấp bằng giả ra nước ngoài vì phạm vi hoạt động quá rộng. Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ cho rằng, việc trao đổi, mua bán giữa các xưởng sản xuất bằng và khách hàng là mối quan hệ được thiết lập khi khách hàng và người mua đều biết rõ họ mua và bán sản phẩm kém chất lượng, chứ không phải khách hàng bị lừa.

Mới đây ngày 1-1-2013, Bộ Giáo dục Ả-Rập tuyên bố sẽ kiểm tra văn bằng của các quan chức Chính phủ. Động thái này của Ả-Rập nhằm mục đích ngăn chặn quan chức sử dụng văn bằng giả để có được công việc và sự thăng tiến trong sự nghiệp. Cụ thể Ả-rập sẽ tiến hành xác minh bằng gốc Thạc sĩ và Tiến sĩ của các nhân viên Chính phủ. Sau đó sẽ xác minh các trường và các tổ chức công nhận.