Bản quyền truyền hình V-League mùa tới: Khó mà gỡ rối

ANTĐ - Hôm nay, VPF và VFF sẽ phải đi đến thống nhất về một giải pháp khả dĩ, và sau đó là thương lượng bằng được với AVG về bản quyền truyền hình. Điều này không chỉ có lợi cho màn khởi động của VPF mà còn liên quan đến chính nhu cầu xem bóng đá của người hâm mộ nước nhà.

Nếu VPF không giải quyết sớm vấn đề bản quyền, người hâm mộ sẽ không được theo dõi đầy đủ các trận đấu mùa tới trên truyền hình

Sau khi VPF ra đời, mọi vấn đề liên quan đến V-League và giải hạng Nhất đương nhiên sẽ phải được VFF bàn giao lại. Tuy nhiên, khúc mắc ở chỗ VFF năm ngoái đã ký hợp đồng lên đến 20 năm dành cho bản quyền truyền hình của giải đấu này. Và AVG, đơn vị đối tác của VFF đang khăng khăng không chịu giảm xuống 3 năm một như cách mà Phó Chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Đức Kiên mới đây đề xuất. VPF đang rất nóng ruột vì V-League chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là khởi tranh, tuy nhiên, họ đành bất lực bởi dù sao lúc này, chỉ có VFF là có thể thương thảo lại trực tiếp với AVG.

Thế nên, trong ngày hôm nay 22-12, VPF sẽ có buổi làm việc với VFF để dứt điểm vấn đề này. Hơn ai hết, ông Phạm Ngọc Viễn, PCT VFF và cũng là TGĐ VPF là người hiểu nội tình nhất. Ông Viễn nói: “Lúc này thì phải đến khi chính thức được VFF bàn giao, VPF mới có cơ sở để đàm phán lại hợp đồng với AVG. VPF tôn trọng bản hợp đồng mà VFF đã ký, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng tìm giải pháp tốt nhất trong tình trạng hiện tại để hai bên cùng hài lòng”.

Bề ngoài VPF có thể lạc quan vậy, nhưng bên trong, chắc chắn lo lắng cũng không ít. Ai cũng hiểu, AVG đã tìm hiểu rất kỹ vấn đề bản quyền truyền hình, cân đong đo đếm chán chê mới đặt bút ký với VFF với bản hợp đồng 20 năm, và chẳng dễ gì để họ buông tay cả. Một chút hy vọng lóe lên với VPF khi đang có một làn sóng phản đối AVG do đơn vị này yêu cầu các nhà đài phải tiếp sóng nguyên trạng (gồm cả logo AVG, quảng cáo, phần bình luận…) đối với các trận đấu mà mình nắm bản quyền. Điển hình là ở vòng 1/16 Cúp QG mới đây, khi VTV và VTC không tiếp sóng trận khai mạc với lý do... chất lượng kém. Thậm chí VTC còn cho biết, sẵn sàng không phát sóng một số trận của V-League nếu có logo AVG, vì điều này là không được phép(!).

Tất nhiên, một giải đấu tầm cỡ lớn nhất quốc gia mà không xuất hiện trên sóng quảng bá của 2 nhà đài phổ biến nhất hiện nay là VTV và VTC sẽ khiến VPF thiệt thòi lây. VPF sẽ gặp khó khi nói chuyện với các nhà tài trợ với những hợp đồng quy định số trận tối thiểu được phát mỗi vòng trên truyền hình quảng bá. Phương án khả thi nhất lúc này để VPF gỡ rối là chia nhỏ bản hợp đồng 20 năm đã ký theo từng giai đoạn và có đàm phán lại, trong đó AVG sẽ là đối tác ưu tiên. Tuy nhiên, AVG có vẻ như không hứng thú lắm bởi họ muốn là người cầm đằng chuôi. Trong trường hợp xấu nhất, VPF có thể tính tới khả năng đơn phương phá vỡ hợp đồng, chấp nhận đền bù. Tuy nhiên, sẽ là một con số khổng lồ nếu phải đền bù bản quyền trong 20 năm.