Bán lẻ Việt Nam đang lâm nguy

ANTĐ - Với doanh nghiệp bán buôn bán lẻ, để có được thành công thì mặt bằng là yếu tố quan trọng nhất. Trên thực tế, có doanh nghiệp tìm được địa điểm đẹp nhưng lại quá nhiều đối thủ ở bên cạnh khiến việc kinh doanh gặp trở ngại. 

Cần quy hoạch bán lẻ hợp lý 

San sẻ... khách hàng

Bên lề hội thảo nhằm tham vấn khó khăn của doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ diễn ra sáng 12-6, ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng giám đốc thường trực, Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, trong 1-2 năm gần đây, khi sức mua giảm mạnh và thị trường bị co hẹp thì số doanh nghiệp bán buôn bán lẻ lại gia tăng nhanh chóng. “Ngoài doanh nghiệp ngoài nước thì có những doanh nghiệp trong nước, trước chưa hoạt động trong lĩnh vực này nhưng giờ cũng chuyển sang kinh doanh. Họ đầu tư mới rất lớn. Bất cứ tòa nhà nào mới xây dựng lên cũng có thể biến thành trung tâm thương mại... khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn”- ông Nguyễn Tiến Vượng nói. Cụ thể như khu vực quận Long Biên, chỉ trong thời gian ngắn, Big C và hàng loạt nhà bán lẻ khác “đổ bộ”, số lượng khách hàng bị san sẻ khiến Hapro, Fivimart... rất khó trụ vững.

 

Trên thực tế, cũng vì nguyên nhân nêu trên mà khách hàng đến các siêu thị, trung tâm thương mại vắng vẻ hơn hẳn so với những năm trước đây. Lãnh đạo một doanh nghiệp bán lẻ lớn trong nước cho hay, 5 tháng đầu năm nay, doanh số của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích... của doanh nghiệp này chỉ ngang bằng so với cùng kỳ năm 2012, trong khi trung bình các năm trước, con số này tăng từ 12-15%. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, sức mua sụt giảm  đáng kể. 

Đại diện các doanh nghiệp bán buôn bán lẻ cho rằng, với doanh nghiệp ngành này thì muốn thành công, vị trí mặt bằng là quan trọng nhất. Quy hoạch thương mại hiện đại cũng tính đến trong một khu vực, dân số bao nhiêu và phân bố số cửa hàng, trung tâm thương mại tương ứng. Nhưng thực tế lại khác, dường như bất cứ tòa nhà mới xây nào cũng có trung tâm thương mại, người có nhu cầu kinh doanh chỉ cần thuê lại. “Tình trạng này tiếp diễn thì không tránh khỏi chính các doanh nghiệp trong nước “hạ bệ” lẫn nhau”- lãnh đạo một doanh nghiệp bán lẻ trong nước cảnh báo.

Theo PGS. TS Lê Trịnh Minh Châu - Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại, khó khăn trong tìm kiếm, tiếp cận mặt bằng hầu hết các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ đều gặp phải. Đô thị hóa nhanh, nhiều khu đô thị mới mọc lên, đô thị cũ được cải tạo nhưng diện tích công cộng dành cho thương mại còn hạn chế. Bà Nguyễn Trịnh Minh Châu cho rằng, cần ưu tiên mặt bằng cho các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ. 

Cảnh giác trước nguy cơ bị thâu tóm

Bất chấp suy thoái kinh tế, sức mua giảm mạnh, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn được đánh giá là đầy tiềm năng. Bằng chứng là việc rất nhiều nhà bán lẻ nước ngoài “nhòm ngó”, muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam như: tập đoàn bán lẻ quốc tế Takashimaya, Index Living Mall...

Gần đây nhất, nhà bán lẻ NUTC FairPrice (Singapore) đã liên kết với Saigon Co.op, cho ra đời hai chuỗi loại hình thương mại hiện đại là: Đại siêu thị với thương hiệu Co.opXtra , Co.opXtra plus. Bên cạnh đó, một số tập đoàn lớn cũng mở rộng chuỗi siêu thị ra các tỉnh, thành phố, như Big C mở thêm địa điểm tại Việt Trì và Ninh Bình... Metro cũng được nhắc đến như nhà bán buôn thành công tại Việt Nam.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp nước ngoài thường chỉ nhắm đến các vị trí đẹp ở khu đô thị, khu đông dân cư và hạ tầng thuận lợi. Trong khi đó, hàng triệu khách hàng đang cần được tiếp cận với kênh phân phối hiện đại ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa lại chưa được chú ý tới. Doanh nghiệp trong nước muốn tăng doanh thu thì phải tìm tới các địa bàn này, nhưng muốn mở rộng mạng lưới lại phụ thuộc rất nhiều vào ưu đãi đất đai, mặt bằng, chính sách tín dụng... của Nhà nước. 

Hiện nay, lượng khách hàng đến các trung tâm thương mại, đại siêu thị của nước ngoài rất đông. Nguyên nhân là do các nhà bán buôn, bán lẻ này chuyên nghiệp hơn trong phục vụ, trưng bày, và số lượng mặt hàng, dịch vụ lớn. Theo ông Nguyễn Tiến Vượng, các doanh nghiệp trong nước cần phải cải tiến chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, họ rất cần sự ủng hộ của người tiêu dùng nội địa bởi vì các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đã có kinh nghiệm hàng trăm năm, trong khi doanh nghiệp nội mới chỉ vài chục năm với xuất phát điểm manh mún, nhỏ lẻ. Nếu người tiêu dùng có cái nhìn thiện cảm thì doanh nghiệp trong nước có thêm động lực để giữ thị phần.