Băn khoăn trước đề xuất Quốc hội phê duyệt chỉ định thầu dự án sân bay Long Thành

ANTD.VN - Có nên đưa nội dung chỉ định thầu vào Nghị quyết trình Quốc hội thông qua hay để Thủ tướng chỉ định thầu theo thẩm quyền, là băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội  trong phiên thảo luận tổ về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I, chiều 24-10.

Đại biểu Trần Văn Quý (đoàn Hưng Yên) cho biết, khi triển khai Nghị quyết 94 (phê duyệt chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành) của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư giai đoạn 1 với 4 hình thức đầu tư, trong đó có ¾ hạng mục đầu tư giao trực tiếp cho ACV làm nhà thầu.

Phối cảnh cảng hàng không quốc tế Long Thành (Ảnh: VTV)

“Việc vừa giao đơn vị chủ đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu khả thi đồng thời chỉ định chính đơn vị đó làm nhà thầu các hạng mục công trình thì có khách quan không?”, ông Quý băn khoăn.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bình Thuận) cho rằng việc Chính phủ lý giải nguyên nhân phải chỉ định thầu cho ACV là thiếu thuyết phục. 

“Anh vừa nghiên cứu báo cáo khả thi, vừa đánh giá tác động, vừa đầu tư thì rõ ràng anh “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Nếu Quốc hội phê duyệt, có nghĩa chấp nhận chỉ định thầu có thể dẫn đến hệ luỵ”, ông Phong cảnh báo.

Theo đại biểu của Bình Thuận, luật thì phải đấu thầu, nhưng chúng ta làm chậm, hay chưa kêu gọi thầu, nay nói rằng nếu không giao cho ACV hoặc nếu tổ chức đấu thầu thì sẽ chậm tiến độ thêm 2-3 năm nữa và ngoài ACV ra, không đơn vị nào có khả năng. 

“Ta chưa hề mời thầu quốc tế, nếu đấu thầu thì khả năng tổng mức đầu tư còn giảm hơn con số hiện tại”, ông Phong nói.

Theo đại biểu Trần Văn Quý, việc chỉ định thầu đối với các hạng mục công trình hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng và Chính phủ, vì vậy đại biểu của Hưng Yên đề nghị Chính phủ tự quyết định và sau này nếu có vấn đề gì, Quốc hội có cơ sở để xem xét, đánh giá sẽ khách quan hơn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Bắc Ninh) đề nghị cần thận trọng cân nhắc có nên đưa việc chỉ định thầu vào Nghị quyết trình Quốc hội thông qua hay không

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Bắc Ninh) cho biết, Nghị quyết 94 có yêu cầu trong từng giai đoạn của dự án đầu tư phải trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu khả thi để Quốc hội thông qua, vì vậy, việc Chính phủ trình lần này là đúng tinh thần Nghị quyết.

Tuy nhiên việc có nên đưa việc chỉ định thầu vào Nghị quyết trình Quốc hội thông qua hay không, hay để Thủ tướng chỉ định thầu theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ cần phải rất cân nhắc, trên cơ sở đối chiếu với Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công và các cam kết quốc tế. 

Quan tâm tới hiệu quả đầu tư dự án, ông Bảo cho biết so sánh với các sân bay quy mô tương đương thì tỷ suất dự án của chúng ta rất cao, vì vậy, khi phê duyệt cần rà soát đơn giá, công nghệ để đảm bảo chúng ta có sự lựa chọn tốt nhất, với chi phí hợp lý.

Nhiều đại biểu cũng lo lắng trước tiến độ giải phóng mặt bằng, tính tới tháng 8-2019 mới đạt hơn 1%, liệu rằng với tốc độ như vậy có đảm bảo đủ mặt bằng thi công khi được phê duyệt hay không?